Thi công Quốc lộ 61 đoạn từ Bến Nhứt – cầu Rạch Tìa. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Theo đó, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các trục đường chính kết nối với giao thông quốc gia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ trên địa bàn. Cụ thể như: đường hành lang ven biển phía Nam , đường Hồ Chí Minh (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), Quốc lộ 61, Quốc lộ 63, Quốc lộ N1 (Hà Tiên - Tịnh Biên), xây dựng mới thay thế cầu yếu trên Quốc lộ 80…Đồng thời, tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc như: hoàn thành đường trục chính Bắc - Nam , đường vòng quanh đảo, các tuyến đường nhánh và đường chục chính đô thị.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống đường ven sông, ven biển và quanh các đảo có cư dân sinh sống; kết hợp giao thông với thủy lợi và bố trí dân cư. Nạo vét một số tuyến đường thủy quan trọng kết nối các tỉnh, thành trong vùng phục vụ nhu cầu vận tải, mở rộng tuyến Rạch Giá - Hà Tiên để vận chuyển hàng hóa. Xây dựng giao thông nông thôn, trong đó chú trọng những vùng khó khăn, tập trung đầu tư đạt 80% trở lên đường ấp - liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% xã đảo có đường quanh đảo và bến cập tàu.
Tiếp đến, tỉnh đầu tư một số cảng biển phục vụ phát triển kinh tế biển gồm: Hòn Chông (Kiên Lương), Bãi Nò (Hà Tiên), Nam Du (Kiên Hải), Thổ Châu (Phú Quốc), Cảng dịch vụ dầu khí trên sông Cái Lớn, nâng cấp mở rộng Cảng Rạch Giá, hoàn thành Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, nâng cấp mở rộng Cảng Bãi Vòng, Cảng dịch vụ dầu khí Phú Quốc và Cảng Vịnh Đầm.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại những vùng du lịch trọng điểm, du lịch sinh thái, lịch sử và du lịch biển trên các quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc, Phú Quốc… chú trọng các dự án du lịch chất lượng cao. Kêu gọi các nhà đầu tư liên kết với nông dân theo phương thức “4 nhà”, đầu tư vùng lúa chuyên canh chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu; nuôi tôm công nghiệp chất lượng cao tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên; sản xuất tôm - lúa vùng U Minh Thượng.
Đặc biệt, tỉnh mời gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản chuyên sâu để tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị gia tăng, chất lượng cao, cạnh tranh tốt trên thị trường. Kêu gọi đầu tư vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như: Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên), Xẻo Rô (An Biên), cụm công nghiệp Đông Bắc Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá), Vĩnh Thuận… Ngoài ra, mời gọi, thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực khác để khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định: Việc tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 nhằm đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường tại địa phương. Đồng thời, huy động các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư để khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển và du lịch...