Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh, tỉnh hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến phòng, chống thiên tai, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn….
Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, đối với biện pháp công trình phòng, chống thiên tai, tỉnh đầu tư, nâng cấp các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão. Tỉnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư… góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.
Tỉnh rà soát đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống thủy lợi ngăn mặn và giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt; xây dựng, nâng cấp các công trình đo đạc, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai.
Tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin truyền thông, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực ven biển phục vụ thông tin, cảnh báo thiên tai. Ngành chức năng tỉnh thực hiện các giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển, ven cửa sông…
Tiếp đến, biện pháp phi công trình phòng, chống thiên tai, tỉnh hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách phòng, chống thiên tai; kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp; lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án phòng, chống thiên tai…
Tỉnh nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí thượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; tổ chức điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai trên địa bàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh thiên tai đã làm 2 người chết do sét đánh; dông lốc làm 2 người bị thương, đổ sập 23 căn nhà và tốc mái 65 căn của dân và nhiều những thiệt hại khác như sạt lở đê biển, nước mặn tràn vào đất sản xuất, gãy 4 trụ điện trung thế và hạ thế, cháy máy biến áp…
Hiện nay, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và huyện, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát, triển khai phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết để chỉ đạo ứng phó kịp thời, nhất là khi dự báo có tình huống thiên tai xảy ra.