Kiểm tra tiến độ xây dựng kè chống sạt lở trên sông Ô Môn

Ngày 21/2, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Ô Môn kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình kè chống sạt lở trên sông Ô Môn, khu vực từng xảy ra nhiều vụ sạt lở năm 2018.

Chú thích ảnh
Năm 2018, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn xảy ra 3 lần sạt lở với chiều dài khoảng gần 200 m, làm hư hại hoàn toàn 35 ngôi nhà của người dân. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tại hiện trường, ông Trương Quang Hoài Nam yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường vận động, giải phóng mặt bằng tại dự án xây dựng kè chống sạt lở khu vực Thới An; nhất là các hộ dân có nhà cọc ven sông sớm di dời đến nơi ở ổn định, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân…

UBND quận Ô Môn cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự để các công trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng; đơn vị thi công, giám sát bổ sung lực lượng xây dựng, giám sát nhằm thúc đẩy các công trình hòan thành theo đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo. 

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kịp thời tham mưu để thành phố thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng nhà, công trình lấn chiếm bờ sông, lòng sông, nhằm hạn chế sạt lở, đe dọa tính mạng người dân… 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn được UBND thành phố phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 18/3-/2009; phê duyệt điều chỉnh lần cuối tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 16/11/2015.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư, với tổng chiều dài hơn 4.300 m, tổng mức đầu tư gần 417 tỷ đồng, từ nguồn  ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2009 đến 2020. Giai đoạn 1 từ cầu Ô Môn đến rạch Tắc Ông Thục; giai đoạn 2 từ rạch Tắc Ông Thục đến rạch Gốc đã hòan thành và đưa vào sử dụng. Riêng giai đoạn 3 từ rạch Gốc đến rạch Ranh dài 1.750 m đang thi công, ước đạt khoảng 90% tổng khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp lễ 30/4 tới.

Trong khi đó, công trình kè chống sạt lở khu vực Thới An (phía bờ phải) có chiều dài 430 m, với giá trị dự toán xây dựng trên 45,7 tỷ đồng. Công trình được giới hạn từ rạch Vàm Điểm đến Vàm Thới An với các hạng mục tường kè, vỉa hè, cầu thang, đường giao thông sau kè, cấp thoát nước... Hiện công trình được thi công gần 2 tháng và dự kiến hoàn thành trước khi mùa lũ năm 2019 đổ về.

Đây là những công trình góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông Ô Môn, đảm bảo an toàn, ổn định cho cuộc sống cũng như sinh hoạt người dân sinh sống ven sông; đồng thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng sông, bờ sông, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Cách đây gần một năm, trên tuyến sông Ô Môn tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng. Khu vực sạt lở có chiều dài 55 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng đến tổng cộng 39 căn nhà; trong đó, 7 căn bị nhấn chìm hoàn toàn xuống sông, 14 căn bị sạt một phần. Theo ngành chức năng thành phố Cần Thơ, vụ sạt lở gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Thanh Liêm (TTXVN)
Người dân Ô Môn liều mình sống cùng sạt lở bờ sông
Người dân Ô Môn liều mình sống cùng sạt lở bờ sông

Kể từ khi sạt lở ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ nhấn chìm hàng chục căn nhà xuống sông đến nay đã hơn ba tháng. Sau khi mất nhà, ngoài một số hộ ở nhờ nhà người quen thì vẫn có những gia đình liều mình bám trụ tại các ngôi nhà đã bị sạt vào tới cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN