Xã Vĩnh Quới thuộc vùng sâu của thị xã Ngã Năm có trên 30% dân số là đồng bào Khmer. Nhiều năm qua, địa phương đã phát huy tinh thần và truyền thống cách mạng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa nông thôn Vĩnh Quới không ngừng khởi sắc.
Niềm tin tuyệt đối
Chùa Ô Chumaram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum) tọa lạc ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới được hình thành trên 200 năm. Ông Lê Minh Chiến, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ngã Năm cho biết, chùa Ô Chum được xây dựng vào năm 1798. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Năm 1968 và 1969, chùa bị máy bay địch hai lần ném bom tàn phá. Dù vậy, các vị sư sãi và bà con phật tử vẫn kiên trì bám trụ đấu tranh bảo vệ phum sóc, quyết tâm giúp phong trào cách mạng. Chùa Ô chumaram Prếk Chếk là minh chứng lịch sử hào hùng của quân và dân Sóc Trăng nói chung và thị xã Ngã Năm nói riêng. Năm 2008 chùa được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chumaram Pkếk Chếk nhấn mạnh, đồng bào phật tử nơi đây luôn tin tưởng và chấp hành tuyệt đối các phong trào cách mạng do địa phương phát động.
Trở lại chùa Ô chumaram Prếk Chếk những ngày này, ông Nguyễn Công Tạo, nguyên du kích xã Vĩnh Quới, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Quới hồi tưởng lại những năm tháng ông được bà con phật tử cùng các vị sư sãi giúp đỡ. Theo ông Nguyễn Công Tạo, giai đoạn 1969 - 1972, phong trào đấu tranh của quân và dân xã Vĩnh Quới diễn ra quyết liệt. Thời điểm đó, cuộc sống của đồng bào Khmer còn rất khó khăn nhưng nhiều bà con đã nhiệt tình góp gạo, muối… nuôi các chiến sỹ cách mạng. Cùng với đó, rất nhiều đồng bào Khmer tham gia cách mạng với ý chí kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh, niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khởi sắc từng ngày
Đất nước hòa bình, thống nhất, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer nói chung và thị xã Ngã Năm nói riêng. Từ đó, hạ tầng sản xuất, xã hội từng bước phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.
Xã Vĩnh Quới có 13 trạm bơm và 5 thuyền bơm di động để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng bào dân tộc Khmer chuyển sang sản xuất lúa cao sản, đặc sản. Xã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình cá - lúa, trồng màu, trồng mãng cầu gai, sản xuất trà mãng cầu… Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới Trần Minh Chiêu thông tin, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên của xã đạt hơn 98%. Hơn 99,8% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; hộ nghèo của xã giảm còn hơn 4,9%... Được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, tiếp cận vốn vay trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi ngành nghề, kinh tế của bà con từng bước đi lên. Xã đang hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Lâm Ở, ấp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, trạm bơm khép kín đã giúp bà con sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập. Xã triển khai kịp thời các chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, giúp hộ nghèo chuyển đổi sinh kế... Đồng bào dân tộc Khmer rất phấn khởi.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ngã Năm Võ Minh Thắng khẳng định với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung ương và địa phương, xã Vĩnh Quới đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội từng bước phát triển. Bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó, tập trung phát triển hạ tầng nông thôn, hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ,... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.