Từ tháng 12/2019, xã Kim Bôi được sáp nhập từ 3 xã Kim Tiến, Kim Truy và Kim Bôi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, toàn xã hiện mới có 2 công trình cung cấp nước sạch, không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Tình trạng "khát" nước sạch tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, diễn ra nhiều năm qua, nguyên nhân chính do địa hình đa phần là đồi núi cao, khan hiếm các mạch nước ngầm.
Thiếu nước, người dân phải tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải tìm các mó nước, khe suối trên đồi cao với lượng nước ít ỏi, sau đó đầu tư mua ống nước nhựa, kéo men theo đường làng hàng cây số để đưa nước về nhà. Tuy nhiên, thiết bị dẫn nước đều là ống nhựa chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị gãy, đứt và hư hỏng hoặc người đi nương làm rẫy chặt nhầm, trâu bò kéo đứt...
Anh Bùi Văn Hiệu, Trưởng xóm Đồi 2 bày tỏ, vào mùa mưa, số hộ có nước sinh hoạt khoảng 60%, đến mùa khô (từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau) thì khoảng 80% hộ dân thiếu nước. Để khắc phục, người dân đã phải mang xô, can đi xin nước của các nhà có nước ở vùng thấp. Điều đáng nói, người dân xóm Đồi 2 sử dụng nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe, dễ mắc một số bệnh liên quan đến da liễu, tiêu hóa.
Bà Bùi Thị Ngởm, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, giãi bày, nhà tôi cùng nhiều hộ ở đây mùa mưa mới đủ nước để dùng, mùa khô phải đi tìm khắp nơi, có lúc phải đi 2-3km để mang nước về. Việc tắm, giặt hầu hết người dân nơi đây phải ra suối Khoang Cửa, nước suối đục ngầu dùng cho tưới tiêu nhưng vẫn phải dùng.
Gia đình chị Hoàng Thị Lấn, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, nhiều năm nay không có nước sạch để dùng, đã đào giếng với chi phí khoảng 7-8 triệu đồng nhưng không thành công. Nguyên nhân một phần là do kết cấu nền đất nhiều đá tảng to, cứng lại rất dễ bị sập, phần khác do khó tìm được mạch nước ngầm. Vì vậy, gia đình đã phải đầu tư xây bể chứa nước mưa.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi Bùi Văn Phong cho biết, trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh như hiện nay, chính quyền địa phương đã báo cáo cấp trên để sớm có phương án khắc phục.
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại tỉnh Hòa Bình những năm qua rất thiết thực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cách nghĩ, cách làm của chính quyền và người dân vẫn chưa tạo sự thống nhất từ khâu quy hoạch, bảo quản tài sản công, phát huy sức mạnh đoàn kết mới dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay.