Cụ thể, từ năm 2015 - 2016, số hộ di cư ngoài kế hoạch đến Tây Nguyên là 572, với 1.621 khẩu, giảm hàng trăm lần so với những năm 2000; trong đó, địa bàn đồng bào dân tộc di cư đến ngoài kế hoạch nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Giảm được số dân di cư đến Tây Nguyên là do trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách về dân tộc và miền núi; đồng thời, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng tạo điều kiện cho các tỉnh vùng Tây Bắc xây dựng, triển khai 123 dự án bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới…
Các tỉnh vùng Tây Bắc đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chỉ riêng chương trình 135, từ năm 2014 - 2015, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đầu tư 3.598 tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học trạm y tế, công trình điện … tại 1.367 xã được thụ hưởng từ chương trình.
Các tỉnh vùng Tây Bắc đã đầu tư 111 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất cho 1.369 hộ đồng bào dân tộc nghèo thiếu đất sản xuất, đào tạo nghề cho lao động ở các thôn, bản 461.573 người…
Hiện nay, các tỉnh vùng Tây Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng… 100% số xã đã có đường ô đến trung tâm xã, có trường tiểu học, 98% số xã có điện lưới quốc gia, 90% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 3 - 4%, có nơi 6%…Nhờ vậy, tình trạng di cư ngoài kế hoạch đến các tỉnh Tây Nguyên không những giảm mạnh mà còn có nhiều gia đình đã quay về nơi ở cũ sinh sống ổn định tại địa phương.
Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay vẫn còn trên 20.711 hộ, 78.383 khẩu là đồng bào các dân tộc di cư ngoài kế hoạch đang sinh sống ở ngoài vùng quy hoạch có đời sống vật chất, tinh thần khó khăn. Nhiều hộ chưa có đất sản xuất, đi làm thuê kiếm sống, đời sống vô cùng khó khăn.
Hiện nay, các tỉnh trong vùng Tây Bắc, Tây Nguyên tiếp tục rà soát lại quy hoạch, kế hoạch để lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phù hợp với các chương trình, dự án trên cùng địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương đề xuất các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu ổn định dân di cư ngoài kế hoạch đến tập trung phát triển kinh tế, xã hội, hạn chế dân di cư ngoài kế hoạch.
Đồng thời, Nhà nước tiếp tục đầu tư ưu tiên đối với các địa phương miền núi phía Bắc (nơi có dân đi) các chính sách định canh, định cư gắn với chính sách giao đất, giao rừng đến hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hỗ trợ dân cư về đời sống, sản xuất, bố trí lại dân cư ở các vùng khó khăn, vùng thường xuyên có nguy cơ về thiên tai… để góp phần hạn chế dân di cư đến vùng Tây Nguyên.
Từ năm 1976 - 2015, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 188.183 hộ, với 856.743 khẩu là đồng bào các dân tộc, chủ yếu là đồng bào các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch; trong đó, di cư đến sinh sống nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai...