Hai kịch bản ứng phó khô hạn tại Cà Mau

Theo dự báo, diễn biến của mùa khô năm 2024 - 2025 dù không gay gắt nhưng vẫn phức tạp, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn trung bình. Với kinh nghiệm ứng phó trong những lần hạn hán gần đây, tỉnh Cà Mau đang chủ động xây dựng các phương án nhằm ứng phó linh hoạt, sát thực tế để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Hệ thống kênh, rạch ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau bị khô cạn. Ảnh tư liệu: Kim Há/TTXVN

Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, về xu thế thiên tai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2024 - 5/2025, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 tuy không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình.

Cụ thể, những tháng đầu năm 2025, tại Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðặc biệt, bắt đầu từ tháng 3/2025, mặn có xu hướng tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng, ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu 45 - 60 km.

Trong bối cảnh Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên không chỉ xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng là áp lực lớn cho chính quyền các cấp và người dân, chủ rừng mỗi khi bước vào mùa khô hạn.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra trong mùa khô năm nay, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều giải pháp hành động sớm trước các diễn biến của thiên tai. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, nhằm chủ động ứng phó thiệt hại do hạn hán gây ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 2 kịch bản, trong đó đề ra khá cụ thể những hành động ứng phó theo từng cấp độ dự báo, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình, có sự cập nhật, điều chỉnh một cách linh hoạt sát với tình hình thực tế. Công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt tại địa phương được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phòng cháy, chữa cháy rừng. Để khắc phục những khó khăn do thiếu nước, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, nhất là chủ động trữ nước mưa vào cuối mùa mưa để sử dụng sinh hoạt trong mùa khô. Đồng thời, các địa phương cần vận hành hiệu quả các công trình ngăn mặn; kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định…

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 13/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2439/QÐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024 - 2025 tỉnh Cà Mau. Theo phương châm “4 tại chỗ”, kế hoạch này cũng đồng thời đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học khu vực rừng U Minh Hạ và rừng các cụm đảo.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô 2015 - 2016 trên 1.400 tỷ đồng. Con số này đã giảm xuống ở mùa khô 2019-2020 khi mức độ thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng, đặc biệt trong mùa khô 2023 - 2024 thì mức độ thiệt hại chỉ vào khoảng 28 tỷ đồng. Từ thực tế trong những lần đại hạn đã qua cho thấy, dù mức độ gay gắt của hạn hán là tương đương nhau, thậm chí càng khó lường hơn do ảnh hưởng ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, nhưng mức độ thiệt hại lại có chiều hướng giảm dần.

Những kết quả trên cho thấy, bài học được rút ra là do chủ động, kịp thời điều tiết, dự trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng và hỗ trợ người dân theo phương án ứng phó với các thông tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt của cơ quan chức năng. Trong đó, địa phương đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước. Hơn hết là kịp thời truyền tải thông tin dự báo và cảnh báo sớm, cùng các phương án tuyên truyền với các thông điệp rõ ràng hướng dẫn thực hiện các hành động cụ thể, như: tích trữ nước, lương thực, bảo vệ sản xuất theo thông tin cảnh báo, lịch mùa vụ, loại giống phù hợp...

Huỳnh Anh (TTXVN)
Khát vọng đưa vùng đất khô hạn Thuận Nam trở thành vùng kinh tế trọng điểm
Khát vọng đưa vùng đất khô hạn Thuận Nam trở thành vùng kinh tế trọng điểm

Huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) được thành lập ngày 1/10/2009 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN