Gỡ khó trong sắp xếp lại nông lâm trường

Tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp ngày 14/7, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian chậm nhất trong tháng 8/2016.

Còn nhiều khó khăn

Trước thực trạng nhiều công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý hàng trăm nghìn ha đất rừng nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài, tháng 3/2014 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 30/NQ-TW, tới tháng 12/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 118/2014 để sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, có 254 công ty (120 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp) thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới. Đến hết tháng 6/2016, Bộ đã thẩm định kế hoạch sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty. Tuy nhiên, hiện nay không ít địa phương vẫn đang “loay hoay” đi tìm mô hình hiệu quả, đem lại diện mạo mới cho các công ty nông, lâm nghiệp này.

Nhiều công ty nông, lâm nghiệp đang “loay hoay” đi tìm mô hình chuyển đổi.

“Đắk Lắk là tỉnh có tới 25 công ty nông, lâm nghiệp cần được sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động nhưng việc xác định mô hình hoạt động như thế nào để giúp doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả đang là vấn đề khó”, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đắk Tô, Kon Tum, các công ty được chuyển đổi hiện có đất, nhưng do không có vốn nên cũng khó hoạt động sản xuất, không tạo được nguồn thu. Đất rừng vì thế lại bị chiếm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận: “Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là về xác lập tiêu chí lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và xác định địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh”.

Ngoài việc xác định mô hình hoạt động, nhiều công ty nông, lâm nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản trên đất. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, chỉ còn 5% diện tích đất đai của Tập đoàn đang thuộc diện tranh chấp, nhưng vấn đề này rất khó giải quyết. “Mong các tỉnh sớm có ý kiến về vấn đề này và cử đoàn điều tra xác minh về hiện trạng đất”, ông Thuận nói.

Về việc đo đạc rà soát, cắm mốc ranh giới đất đai, nhu cầu kinh phí của các địa phương là trên 1.000 tỷ đồng. Chính phủ đã bố trí được 450 tỷ đồng và sẽ bố trí thêm 197 tỷ đồng trong thời gian tới. Tuy nhiên, “Nhiều địa phương không có nguồn thu để bù đắp 30% kinh phí đo đạc, rà soát đất đai theo quy định, dẫn tới công việc này bị chậm hơn so với dự kiến”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.

Sẽ hoàn thành việc sắp xếp vào quý II/2017

Theo Bộ NN&PTNT, khung pháp lý cho sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp cơ bản đã hoàn chỉnh với 11/14 văn bản được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành. Nhiều tỉnh, thành phố, tổng công ty đã hoàn thành đề án chuyển đổi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng việc sắp xếp này không phải là chuyển đổi cơ học mà phải tìm ra hướng đi hiệu quả cho các doanh nghiệp này. Sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với chế biến, tham gia vào các chuỗi giá trị. Các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp phải trở thành trung tâm sản xuất, liên kết của người dân trong các vùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, sẽ tổng hợp, đề xuất một số thay đổi về mô hình của các công ty nông, lâm nghiệp các địa phương, Bộ, ngành không thực hiện được theo chủ trương đã được phê duyệt để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về kinh phí đo đạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị, với 197 tỷ đồng sẽ cấp trong thời gian tới, trước mắt các địa phương ứng trước, Trung ương sẽ bù lại sau. Thực tế vốn cho đo đạc không thiếu vì đã được phê duyệt, vấn đề là các tỉnh phải đo đạc, kiểm kê từ thực tế, không để tình trạng đo xong lại xin kinh phi đo lại nhiều lần.

Đối với vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “ Công việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới đất đai đã bị chậm trễ nhưng dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2016” .

Riêng với Tổng công ty Cà phê có tới 27 công ty cần sắp xếp chuyển đổi, trong đó có nhiều công ty gặp khó khăn, nợ đọng lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh Tây Nguyên cần có buổi làm việc riêng với Tổng Công ty Cà phê để tháo gỡ những khó khăn cụ thể của các công ty trong Tập đoàn này.

Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trên thực tiễn theo đúng phương án tổng thể, đề án được phê duyệt, cơ bản hoàn thành chậm nhất vào Quý II/2017.

H.V
Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động của các nông, lâm trường
Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động của các nông, lâm trường

Chiều 10/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN