Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động của các nông, lâm trường

Chiều 10/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.


Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến quan ngại của đại biểu Quốc hội trước tình trạng tồn tại nhiều vi phạm trong quản lý đất nông lâm trường, gây lãng phí tài nguyên xã hội, đồng thời cho thấy những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình thêm một số vấn đề. Ảnh: Nguyễn Dân –TTXVN

Hiệu quả yếu kém trong sử dụng đất nông, lâm trường

Hầu hết các ý kiến tại buổi thảo luận tán thành cơ bản với Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004- 2014 và thống nhất cao việc Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

Các đại biểu phản ánh một thực tế nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.

Đa số các ý kiến đều chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại của các nông, lâm nghiệp hiện nay là hiệu quả quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém về chính sách, bên cạnh đó bản thân các nông, lâm trường cũng yếu kém về năng lực quản lý.

Một số ý kiến nêu vấn đề, trong bối cảnh nhiều nông, lâm trường có đất nhưng để hoang hóa trong khi người dân lại không có đất để canh tác sản xuất. Đây là nguồn gốc của những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân và các nông, lâm trường.

Chuyển đổi mô hình chỉ là "bình mới, rượu cũ"?

Đánh giá về tình hình quản lý sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) - thành viên của Đoàn Giám sát, tình trạng phổ biến tại các nông, lâm trường hiện nay là hiệu quả sử dụng đất thấp, Nhà nước thất thu tiền thuế sử dụng đất.

Hầu hết các nông, lâm trường mới sắp xếp lại tổ chức để thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, tức là “bình mới mà rượu vẫn cũ”.

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo; không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất để tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ cơ bản trên đất.

Tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian dài.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành khác có liên quan trong việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của công ty, doanh nghiệp nông, lâm trường được giao quản lý, khai thác sử dụng đất.

Còn đại biểu Trần Minh Diệu (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, quá trình thực thi pháp luật về đất đai tại các nông lầm trường quốc doanh có những hạn chế sai phạm khá phổ biến là công tác quy hoạch phân loại rừng chưa sát thực tế.

Đại biểu Trần Minh Diệu dẫn chứng: Về hiệu quả sản xuất đất, diện tích đất do các nông lâm trường quốc doanh quản lý gần 8 triệu ha là rất lớn; trong đó diện tích giao để sản xuất kinh doanh và làm nghĩa vụ tài chính là hơn 2 triệu ha nhưng theo Báo cáo của Tổng cục thuế có 6 đơn vị không có số liệu thu vào ngân sách.

Còn tất cả các địa phương có đất rừng còn lại trong giai đoạn năm 2004 - 2014 chỉ nộp được 1.700 tỷ đồng, bình quân 1 ha đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong mỗi năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80.000-90.000 đồng!

“Một con số cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh là không thể chấp nhận được. Điều đó cũng có nghĩa là sự thất thoát lãng phí, trong khi đó có gia đình phải trả rất lớn về môi trường khi hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất kinh tế theo cách mà nhiều địa phương đang làm”, Đại biểu Trần Minh Diệu nói.

Tồn tại trong quản lý đất nông, lâm trường

Giải trình tại buổi thảo luận về trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận các khuyết điểm trong của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Bộ còn nhiều hạn chế trong việc thực thi nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật, chính sách sử dụng đất, đo vẽ địa chính và cấp giấy chứng nhân sử dụng đất, thanh tra xử lý đối tượng được giao đất và xử lý sau thanh tra.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận chậm ban hành văn bản hướng dẫn đất nông lâm trường, chưa tổ chức thanh tra tất cả nông lâm trường, chưa quan tâm xử lý sau thanh tra dẫn đến vi phạm kéo dài gây bức xúc xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Để khắc phục tình hình, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập các tổ công tác xuống các địa phương trọng điểm hướng dẫn thực hiện đo vẽ hồ sơ địa chính, đảm bảo tiến độ đề ra của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, việc tổ chức lại sản xuất tại các nông lâm trường hiện nay hết sức khó khăn do rất nhiều lý do khác nhau. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích, quá trình sử dụng đất còn nhiều tồn tại do chính sách pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ mà chưa theo kịp.

“Nhân đây tôi chính thức đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ các địa phương số kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để hoàn thành đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2016. Số tiền này chưa tính số đo vẽ hồ sơ địa chính cho các khu bảo tồn thiên nhiên. Vừa rồi Chính phủ dự kiến cấp hơn 600 tỷ đồng, hôm nay tôi xin kiến nghị chính thức 1.000 tỷ đồng để các địa phương khỏi lúng túng, hoàn thành dứt điểm việc đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Trách nhiệm trong quản lý hoạt động nông, lâm trường

Thẳng thắn nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ còn nhiều tồn tại trong quản lý hoạt động sử dụng đất nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ tâm tư trước ý kiến cho rằng, hiện nay có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở mà nguyên nhân chính do việc các lâm trường quốc doanh chiếm một lượng quỹ đất quá lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát giải trình thêm một số vấn đề. Ảnh: Nguyễn Dân –TTXVN

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nhìn tổng thể trong nhiều giai đoạn, các nông lâm trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Theo ông, chính nhờ các nông trường mới hình thành được ngành cao su, cà phê, ngành chè…

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp vẫn thừa nhận các khuyết điểm của mình trong việc quản lý hoạt động kém hiệu quả của nhiều nông lâm trường hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp, tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, nghị định, thông tư hướng dẫn, thế nhưng khuyết điểm chính là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Bản thân tôi cũng thấy điều đõ rất rõ và xin nhận khuyết điểm, đã cố gắng làm nhưng kết quả không đạt được như mong đợi. Chúng tôi chỉ mới tập trung cho 67 nông lâm trường trực thuộc Bộ, chưa phối hợp chặt chẽ để kiểm tra các lâm trường thuộc diện quản lý của địa phương khác. Khi thanh tra xử lý tồn tại chậm, không dứt điểm”.

Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Theo đó, các đại biểu Quốc hội đề xuất rà soát diện tích đất từng nông, lâm trường, đánh giá kết quả sử dụng đất. Trên cơ sở đó giao đất cho nông, lâm trường và ưu tiên giao thêm đất cho người dân để ổn định sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh tránh lãng phí, Đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng, Quốc hội cần kiên quyết xử lý trách nhiệm thu hồi toàn bộ diện tích đất sử dụng sai mục đích phát canh thu tô, đất giao khoán cho những người không trực tiếp sản xuất, đồng thời tiếp tục rà soát điều chỉnh lại quy hoạch để thực hiện việc thu hồi nhiều hơn nữa diện tích đất từ các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho người dân có tư liệu để lao động, tổ chức lại sản xuất, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ đất đai.

“Đặc biệt, đất thu hồi giao cho người dân sản xuất phải là đất gần khu dân cư dễ canh tác, không phải là đất xa dân cư, đất xấu, đất canh tác không hiệu quả. Tôi cũng đề nghị chỗ khó, ở xa thì nhà nước đầu tư giao cho các Công ty lâm nghiệp triển khai thực hiện”, Đại biểu Trần Minh Diệu đề xuất.

Các đại biểu cũng đề nghị cần sớm ban hành Nghị quyết quản lý về nông, lâm trường để tránh tình trạng hàng triệu héc-ta đất sử dụng không hiệu quả như hiện nay.

Quang Vũ (TTXVN)
Sử dụng đất đai tại lâm trường quốc doanh hiệu quả chưa cao
Sử dụng đất đai tại lâm trường quốc doanh hiệu quả chưa cao

Đoàn giám sát trực tiếp làm việc tại 27 huyện, 16 nông trường, 10 lâm trường, 6 ban quản lý để làm rõ một số nội dung, số liệu và trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN