CHỖ SINH LỜI, NƠI CHỊU LỖ
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm, nông trường quốc doanh; Sơn La đã chuyển đổi các lâm, nông trường quốc doanh thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhà nước một thành viên… nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thành công.Công ty cổ phần ăn nên làm ra Năm 2006 tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi thí điểm Nông trường Chiềng Ve, Nông trường Chiềng Sung và Nông trường chè Cờ đỏ Mộc Châu thành Công ty cổ phần, vốn 100% của cổ đông. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, sau khi chuyển đổi, các công ty này bước đầu hoạt động có hiệu quả, dần thoát khỏi tình trạng khó khăn, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện.
Sau khi chuyển đổi, Công ty CP mía đường Sơn La vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. |
Nhớ lại thời gian khó, chạy đi vay từng đồng để trang trải đời sống cho anh chị em công nhân, ông Ngô Thanh Kỳ, Giám đốc Công ty CP chè cờ đỏ Mộc Châu chia sẻ: Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty, tôi trăn trở làm thế nào để đơn vị ăn nên làm ra, đời sống của cán bộ, công nhân viên đủ ấm đủ no. Khi tỉnh có quyết định chuyển đổi Nông trường chè cờ đỏ Mộc Châu thành Xí nghiệp nông - công nghiệp, từ công nhân đến lãnh đạo đều lo lắng. Qua học hỏi các mô hình của các đơn vị khác, chúng tôi về họp bàn và quyết định xin tỉnh cho chuyển sang Công ty CP. Tỉnh Sơn La đã rà soát, đo đạc và cắm mốc, xác định diện tích cần sử dụng của Công ty CP chè cờ đỏ Mộc Châu để cắt đất trả lại cho chính quyền. Diện tích cũ nhận bàn giao từ nông trường là hơn 4.742 ha, công ty chỉ giữ lại với hình thức thuê đất là gần 1.500 ha để quản lý và giao khoán cho người dân; công ty đầu tư giống, khoa học kỹ thuật, phân bón để phát triển sản xuất.
Sau khi chuyển đổi, công ty chủ động tổ chức lại sản xuất, xây dựng kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, vì vậy từ đơn vị làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lương và đóng bảo hiểm cho công nhân, hiện nay sản xuất đã sinh lời, thu nhập của công nhân được nâng lên. Năm 2014, tổng doanh thu của Công ty CP chè cờ đỏ Mộc Châu là 45 tỷ đồng.
Khi được cán bộ công ty đưa xuống đội sản xuất, chúng tôi thấy rõ không khí lao động tấp nập, người đào rãnh, người vun vồng và bón phân để trồng chè. Dưới cái nắng chói chang, bà Đặng Thị Thuận cho biết: “Trước kia tôi và gia đình lên xây dựng kinh tế, làm công nhân của nông trường vất vả cũng không đủ ăn, bây giờ đời của người dân tốt hơn nhiều rồi. Nhà tôi nhận gần 3.000 m2 để làm, kinh phí nộp cho công ty khoảng 300.000 đồng/năm nên không khó khăn lắm”.
Theo ông Ngô Thanh Kỳ, xác định một trong những lý do quan trọng khiến nông trường hoạt động kém hiệu quả là bộ máy quá cồng kềnh, nên sau khi chuyển đổi công ty quyết định cắt giảm lao động dôi dư và tổ chức lại bộ máy lãnh đạo gọn nhẹ. Trước kia, dưới tổ đội sản xuất cũng có đầy đủ ban bệ, đội trưởng đội phó, y tá, kế toán, bảo vệ… Sau đó chỉ để lại đội trưởng đội sản xuất phụ trách, số lao động cắt giảm là 30 người. Số lao động cắt giảm được hưởng chế độ theo luật lao động.
Công ty nhà nước phát triển ì ạchNăm 2011, tỉnh Sơn La quyết tâm thay “máu” cho các lâm, nông trường còn lại trên địa bàn (Nông trường Tô Hiệu, các Lâm trường: Mường La, Phù Yên, Sốp Cộp, Sông Mã, Mộc Châu, Mường La). Tuy nhiên, mô hình chuyển đổi không phải là Công ty cổ phần mà là Công ty TNHH nhà nước MTV, vốn 100% là của Nhà nước. Tuy nhiên, với mô hình này, theo UBND tỉnh Sơn La, chính sự bao cấp đối với loại hình công ty này, dẫn tới tư tưởng trông chờ ỉ lại, không chủ động trong kinh doanh, vì vậy hoạt động không hiệu quả, nợ sau chồng nợ trước. Đến nay, chỉ riêng số tiền giải quyết chế độ cho lao động dôi dư là gần 20 tỷ đồng.
Đặt câu hỏi tại sao tỉnh Sơn La không chuyển đổi tất cả các lâm, nông trường thành công ty cổ phần, bà Đoàn Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) cho rằng, trước kia do lãnh đạo tỉnh không mạnh dạn để chuyển đổi tất cả các nông, lâm trường thành công ty cổ phần. Nếu chuyển đổi hết thành công ty cổ phần thì chắc chắn các đơn vị này sẽ hoạt động tốt, không phải bây giờ cứ phải loay hoay chuyển đổi và giải thể, thành lập mới.
Ông Trịnh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Tô Hiệu đánh giá việc chuyển đổi này không mang lại hiệu quả, mà tốn kém tiền của Nhà nước. Ông Thịnh lấy ví dụ là đơn vị mình phải chuyển đổi đến 3 lần trong vòng 10 năm, bản chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Tại Đội sản xuất Bắc Quang thuộc Công ty TNHH nhà nước MTV Tô Hiệu, người dân bức xúc phản đối về việc mình phải gánh nhiều khoản phí. Anh Phạm Đình Nam, đội trưởng Đội sản xuất cho biết: “Đội Bắc Quang có 34 công nhân, 203 hợp đồng của 175 hộ, diện tích canh tác là 178 ha. Đời sống của người dân nhận khoán đất ngày càng khó khăn, ngoài việc phải đóng phí quản lý 25% giá trị sản phẩm, còn phải trả thuế đất là 1,5 triệu/ha/năm. Vật tư phân bón, giống cây trồng thi nhau lên giá, còn sảm phẩm như cây ngô, cây mía lại giảm, nên trừ các khoản chi phí để ra chẳng được bao nhiêu. Các gia đình đành lấy công làm lãi. Tôi nghe báo, đài nói nhiều Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ người nông dân làm nông nghiệp, nhưng trông chờ mãi mà không thấy thực hiện. Người nông dân nghèo lại càng khó khăn hơn.
Bài cuối: Gánh nợ chuyển đổi