Bò giống cho hộ nghèo biên giới
Để giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế dần vươn lên thoát nghèo ở các xã biên giới, năm 2009, Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) khảo sát, lập kế hoạch đề nghị với Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu hỗ trợ để xây dựng điểm chăn nuôi và trồng cây ăn quả tập trung tại bản Phí Chi A.
Sau khi thống nhất được với cấp ủy, chính quyền xã và UBND huyện Mường Tè chọn địa điểm, Đồn biên phòng đã vận động nhân dân, các cơ quan sự nghiệp trên địa bàn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị phát nương, san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại và nhà ở. Hội chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 25 con bò giống; Thông tấn xã Việt Nam hỗ trợ 30 triệu đồng để dựng chuồng trại, nhà ở cho đội công tác. Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ còn phát động quyên góp và đầu tư thêm 5 con bò giống, cây ăn quả, cử 5 cán bộ xuống đóng chốt để hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từng mùa sinh sản, bò mẹ đẻ con, số lượng ngày một nhiều hơn qua từng năm.
Trưởng bản Vàng Nhiều Trừ, dân tộc La Hủ, cho biết: “Những ngày đầu chọn đất, phát nương, dựng chuồng trại và trồng cây giống, anh em cán bộ chiến sĩ và người dân vừa vất vả, vừa lo lắng dự án này có thành công hay không. Nhưng bây giờ nhìn thấy cây ăn quả bám rễ, giống vật nuôi phù hợp phát triển tốt thì ai cũng vui mừng”.
Bộ đội Biên phòng đã giúp đồng bào dần thay đổi nhận thức, không còn ỷ lại mà vươn lên học làm kinh tế thoát nghèo. |
Theo ông Trừ, lúc đầu thay đổi nếp nghĩ của người dân là rất khó, mọi người chưa ý thức được làm ăn tập thể, cùng làm, cùng hưởng nên ngày nghỉ, ngày đi làm. Nhưng với phương châm tuyên truyền, vận động của bộ đội biên phòng “mưa dầm thấm lâu” và “bắt tay chỉ việc” để bà con thay đổi nếp nghĩ, dần dần, người dân cũng hiểu, tham gia nhiệt tình. Nếu bò đi ăn xa, dù là chiều tối thì người dân cùng với chiến sĩ biên phòng soi đèn pin đi tìm cho bằng được… Hiện nay, các hộ dân tham gia chăn nuôi cùng bộ đội biên phòng đã được chia bò về nhà và được hướng dẫn tự chăn nuôi, trang trại chỉ còn 9 con bò và 10 dê để tổ công tác biên phòng cùng 6 gia đình tham gia chăn nuôi.
Đưa chúng tôi xuống thăm các hộ chăn nuôi bò, Thiếu tá Lương Xuân Hà, Đồn trưởng Đồn Pa Vệ Sủ chia sẻ: “Đây là mô hình thành công của bộ đội biên phòng xây dựng để hướng dẫn đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới phát triển kinh tế chăn nuôi đàn gia súc. Bước đầu triển khai nuôi tập trung, không có hộ nào tự mua giống chăn nuôi, bây giờ cả bản Phí Chi A và Phí Chi C có khoảng trên 50 hộ chăn nuôi bò giống, người nhiều nuôi 5 con, hộ ít nuôi 1 con. Bộ đội biên phòng hàng tuần xuống nhà các hộ chăn nuôi để kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc”. Nguồn thức ăn của bò được bà con tận dụng tại chỗ, cỏ ở ven đồi rất nhiều; rơm gặt xong thì gom lại đánh thành đống tại ruộng, nương và đưa về cho bò ăn không để phí như ngày trước. Mục tiêu cụ thể của dự án trại bò là tạo điều kiện để tận dụng thời gian nông nhàn, hình thành ý thức tự giác làm kinh tế dần vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh mô hình chăn nuôi bò, Đồn Pa Vệ Sủ đang thực hiện các mô hình trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá… để người dân tham gia và học theo.
Hợp tác xã đoàn kết nquân dân
Hợp tác xã (HTX) Hùng Pèng cũng là một trong những mô chăn nuôi do bộ đội biên phòng Lai Châu xây dựng, để hướng dẫn đồng bào dân tộc khu vực biên giới phát triển kinh tế. Hiện thực hóa chủ trương giúp người dân Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) dần được no cơm ấm áo, tháng 4/2008, một đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu đã về Hùng Pèng kiểm tra thực tế để có kế hoạch đầu tư, hiệu quả và sát thực nhất. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, một mô hình quân dân kết hợp làm kinh tế ở Hùng Pèng ra đời: Mô hình Hợp tác xã với các nhóm hộ nông dân có cùng sở nguyện.
Được hưởng thụ từ chương trình 30a của Chính phủ, Hùng Pèng được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng, trong đó hơn 3 trăm triệu đồng dành để phát triển đàn bò và đàn dê. Cả hai đàn gia súc gần 100 con này được giao cho Hợp tác xã quản lý, các gia đình thay nhau chăn thả, có chấm công và đó chính là điều khác biệt so với tập quán thả rông gia súc của người Dao. Nói là làm, anh em chiến sỹ biên phòng và bà con trong HTX xuống suối gùi đá, cát, sỏi và chặt gỗ để làm nhà, phát cỏ làm nương trồng ngô lai, khoanh vùng chăn nuôi gia súc...
Trung tá Nguyễn Hùng Cường, Đồn trưởng Đồn Ma Lù Thàng cho biết: “Trước đây vận động bà con tham gia HTX rất khó khăn bởi bà con cứ nghĩ đây là HTX của biên phòng. Nhưng khi tham gia mọi người mới thấy đây là mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Hiện nay, đông đảo bà con trong các bản viết đơn tự nguyện tham gia vào HTX”.
Ban đầu, mô hình trang trại chỉ 30 con bò, sau 1 năm đã tăng lên 43 con. Để đảm bảo cho việc chăn nuôi tăng gia của HTX, Đồn biên phòng Ma Lù Thàng còn hướng dẫn bà con trồng ngô, đào ao, thả cá, nuôi gà, vịt. Đến nay, HTX đã trở thành trang trại với số lượng lớn các vật nuôi, thu hút nhiều hộ dân tham gia và mọi người quen gọi “HTX đoàn kết quân dân”.