Công ty TNHH Hùng Cá, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp chuyên nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu sang các thị trường thế giới. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Sản lượng dẫn đầu
Trước đây, hầu hết diện tích nuôi đều do nông dân phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Cùng đó, các nhà máy chế biến phát triển ồ ạt, thiếu liên kết với vùng nuôi dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường.
Do vậy, sau khi tỉnh Đồng Tháp xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp chế biến đã tái cơ cấu lại trong nội bộ ngành. Theo đó, những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, quản trị tốt và có thị trường đã thu mua lại các doanh nghiệp yếu, thiếu thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, tỉnh cũng thực hiện liên kết xây dựng vùng nuôi nguyên liệu, khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu tiêu thụ - chế biến và xuất khẩu. Trong đó nổi bật nhất là Công ty TNHH Hùng Cá, một trong những công ty tiên phong trong phát triển thế mạnh mô hình liên kết nuôi cá tra theo chuỗi giá trị.
Công ty TNHH Hùng Cá có vùng nuôi hơn 740 ha, giúp cho 326 hộ nuôi theo chuỗi giá trị ở 5 huyện gồm: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tân Hồng. Đặc biệt, đa số các vùng nuôi đều đạt chuẩn VietGAP, Global GAP và ASC. Ngoài ra, các nhà máy chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn cho cá, bột cá, dầu cá tra của công ty cũng đều đạt chuẩn về an toàn thực phẩm như: HACCP, HALAL, BRC, ISF và ISO 22000.
Sản phẩm cá tra của công ty được xuất khẩu hơn 80 quốc gia trên thế giới. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh Đồng Tháp đạt được sản lượng cao nhất khu vực ĐBSCL là nhờ các vùng nuôi nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến chiếm hơn 63% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh.
Số diện tích còn lại do nông dân nuôi đều được ký kết với các doanh nghiệp để cung ứng thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cũng như có đầu ra ổn định. Hiện 1.000 ha cá tra của Đồng Tháp được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường khó tính Hoa Kỳ và châu Âu.
Để đáp ứng nguồn cá tra giống chất lượng cao, toàn tỉnh đã có 122 cơ sở sản xuất giống, 48 cơ sở kinh doanh và 1.272 cơ sở ương, ước sản lượng sản xuất hơn 1 tỷ con cá tra giống.
Cũng theo ông Phan Kim Sa, sản phẩm cá tra Đồng Tháp đã có mặt gần 100 thị trường trên thế giới. Trong 10 tháng năm 2016, Đồng Tháp xuất khẩu hơn 207.000 tấn thủy sản, đạt kim ngạch hơn 521 triệu USD, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó chủ yếu là cá tra.
Hiện nay toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất hơn 429.000 tấn thành phẩm/năm. Đa số các nhà máy đều đạt chuẩn HACCP, ISO… và tự chủ 60 - 70% nguyên liệu chế biến. Trong những năm tới, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu nuôi cá tra đạt diện tích hơn 2.200 ha, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn, giá trị xuất khẩu hơn 645 triệu USD/năm.
Thu hoạch cá tra ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). |
Ưu tiên sản phẩm chủ lực
Có thể nói Đồng Tháp là tỉnh tiên phong trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 ngành hàng chủ lực là hoa kiểng, xoài, lúa gạo, vịt, cá tra. Mục tiêu cốt lõi của đề án là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh “hợp tác - liên kết - thị trường”, “giảm chi phí, tăng chất lượng, đẩy mạnh chế biến nông sản”, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...
Theo đó Nhà nước đã thể hiện rõ nét với vai trò cầu nối trong chuỗi liên kết, đồng thời hỗ trợ đào tạo các kỹ năng quản lý sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu...
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết 3 năm qua tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho các ngành hàng chủ lực để phát triển trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp với các hình thức cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất và thu mua; hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, đầu tư vốn vào xây dựng trung tâm ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất....
Tỉnh Đồng Tháp đã cho vay thí điểm một mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo là Công ty TNHH Thương mại XNK Lộc Anh với số tiền 102 tỷ đồng để sản xuất lúa gạo ở 3 hợp tác xã Tân Tiến, Tân Cường và Phú Bình với diện tích trồng lúa 1.730 ha; tiếp tục cho Công ty lương thực tỉnh Đồng Tháp thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3 ha/hộ.
Hợp tác xã Tân Cường ở huyện Tam Nông được hỗ trợ cho vay hơn 590 triệu đồng và thu mua tạm trữ 2.000 tấn gạo. Đồng thời, ngành hàng lúa gạo được tỉnh hỗ trợ vào việc tập trung công tác vào tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, phát triển các sản phẩm gia tăng để nâng cao giá trị ngành hàng.
Các kỹ sư nông nghiệp của tỉnh còn giúp bà con nông dân thực hiện các mô hình 3 giảm, 3 tăng; xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Đồng Tháp cũng thực hiện được 5 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ lúa ở huyện Tân Hồng, Tháp Mười và Lấp Vò với diện tích 960 ha, qua đó giảm giá thành sản xuất lúa từ 650 - 700 đồng/kg, lợi nhuận tăng hơn 3 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ” trên hai giống lúa IR50404 và VD20, qua đó giảm giá thành sản xuất từ 10 - 20%, tăng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho hạt gạo.
Ngoài những ngành hàng chủ lực nói trên được hỗ trợ, tỉnh Đồng Tháp còn hỗ trợ cho các địa phương phát triển các ngành hàng đăng ký nhãn khác. Chính vì thế, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có mặt trên thị trường quốc tế như: trái xoài được tiêu thụ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Samara (Nga); trái nhãn đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trái chanh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; sản phẩm ớt Thanh Bình đã có mặt tại các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia… |
Đối với việc hỗ trợ cho ngành hàng hoa cây cảnh, Đồng Tháp đã đầu tư hơn 33 tỷ đồng xây dựng trung tâm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất và tiêu thụ hoa cảnh, nhằm kết nối nông dân trồng hoa cảnh và doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thị trường, định hướng và nâng cao giá trị cho ngành hoa kiểng phát triển.