Tỉnh Đồng Tháp đã chọn được một số giống sen chuyên lấy gương, lấy hoa, lấy củ, lấy ngó chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của Tỉnh như: Sen hồng Đồng Tháp, sen Đài Loan, sen lấy củ (Nelumbo nucifera Gaertn); sen lấy hoa có Bách diệp hồng, Super, Quan âm trắng, sen phượng hoàng, sen ngàn cánh… với nhiều màu sắc khác nhau như: hồng, trắng, đỏ, vàng, phớt hồng...
Hiện nay, diện tích trồng sen ở Đồng Tháp là 1.800 ha, chủ lực là giống sen hồng Đồng Tháp; hiện có 120 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen; có 59 sản phẩm sen đạt OCOOP; có 200 món ăn, thức uống chế biến từ sen.
Ông Dương Trường Phúc, Thạc sĩ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết: Đồng Tháp thuộc vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười với đặc trưng địa hình có nhiều ao hồ, đất bùn ngập nước. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cây sen phát triển mạnh.
Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Thu sẵn sàng đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu sạch tại chỗ phục vụ sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giá trị kinh tế trồng sen lấy hạt, củ và hoa và các bộ phận còn lại của cây sen là lá, ngó đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định và được Đồng Tháp khuyến khích khai thác.
Anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết: trồng sen lấy gương, sau 2,5 tháng trồng, sen cho thu hoạch, thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha, trồng sen lãi gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích sen lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với diện tích sản xuất hàng năm hơn 500 ha, sản lượng bình quân trên 1.700 tấn/năm. Huyện Tháp Mười đang thí điểm mô hình trồng sen lấy củ với diện tích 3 ha ở xã Trường Xuân.
Ông Đinh Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười cho hay, sau thời gian triển khai mô hình, ông nhận thấy cây sen lấy củ có nhiều triển vọng phát triển tốt ở vùng đất Tháp Mười. Trong vụ sen lấy củ năm 2023 - 2024, Trung tâm trồng thí điểm 3 ha.
Kết thúc vụ mùa, ông dự kiến sẽ nâng tổng diện tích của mô hình lên đến hơn 7,5 ha. Trồng sen lấy củ từ 4 - 5 tháng bắt đầu cho thu hoạch, ruộng mô hình ướt đạt 10 tần/ha.
Huyện Tháp Mười có khu trồng sen nguyên liệu hơn 23 ha ở ấp 3, xã Láng Biển của Công ty cổ phần Sen Đại Việt. Hiện nay, Công ty cổ phần Sen Đại Việt đã sản xuất 21 sản phẩm từ sen, trong đó nổi bật như: trà tim sen, củ sen sấy, hạt sen sấy, hạt sen nước đường…
Để trồng các giống sen cho hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã chuyển giao các nghiên cứu về quản lý dịch bệnh, kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,... trên cây sen cho các tổ hợp tác, nông dân trồng sen thông qua các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền.
Vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác sen an toàn, sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quản lý dịch hại trên cây sen.
Hướng phát triển cây sen ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện “Quy trình kỹ thuật canh tác sen an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất tham gia trồng sen có mức tăng thu nhập 25 - 30% so với trước. Bình quân mỗi 1 ha sản xuất sen sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 - 40 lao động.