Đối thoại với doanh nghiệp phương án phục hồi sản xuất

Ngày 15/9, Bí thư Tỉnh ủy Long An - ông Nguyễn Văn Được đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn về phục hồi sản xuất, kinh doanh. Buổi đối thoại được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của 500 doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu với doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cho biết, việc phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương đến nay đã có những kết quả khả quan. Tỉnh cơ bản đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và đang đẩy nhanh tiêm mũi 2; trong đó sẽ tập trung ưu tiên cho lực lượng công nhân để phục hồi sản xuất.

Long An cũng đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trên quan điểm từng bước, thận trọng mở lại nền kinh tế. Trước mắt, tỉnh khôi phục lại sản xuất của doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau ngày 15/10, tùy theo tình hình dịch bệnh, tỉnh sẽ cố gắng mở rộng hơn đối tượng doanh nghiệp, nới lỏng các điều kiện hoạt động.
       
Bí thư Tỉnh ủy Long An bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp thông cảm, chia sẻ khó khăn và đồng hành với địa phương trong giai đoạn hiện nay. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng còn nhiều cản trở. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, doanh nghiệp hoạt động cũng cần chú ý đến y tế tại chỗ, tăng cường quản lý người lao động, chủ động xét nghiệm định kỳ, chủ động xử lý khi có phát sinh ca nhiễm… Chính quyền các cấp sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh.

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến về kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh mà địa phương vừa ban hành. Nhiều ý kiến đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho nhân sự ở TP Hồ Chí Minh đến Long An làm việc; quy định bắt buộc phải bố trí xe đưa đón gặp rất nhiều khó khăn, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi lại làm việc.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Avery Dennison RIS Việt Nam, tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết, doanh nghiệp bình thường hoạt động với 3.000 nhân sự, thời gian gần đây chỉ có 800 người làm việc theo “3 tại chỗ”. Trong tổng số lao động của doanh nghiệp có khoảng 2.000 người sinh sống ở TP Hồ Chí Minh; trong đó, có 150 người có chuyên môn cao. Do đó, công ty kiến nghị chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho những người này đến Long An làm việc, trước mắt là lao động chuyên môn cao. Như vậy, doanh nghiệp mới bố trí được nhân sự để hoạt động.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Long An cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho chuyên gia đến làm việc tại Long An. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định và tạm thời phải ở lại trên địa bàn chưa thể đi về mỗi ngày. Đối với công nhân, trước mắt chưa sử dụng phương tiện cá nhân mà doanh nghiệp phải tổ chức xe đưa đón, điều này nhằm hạn chế các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được lắng nghe ý kiến doanh nghiệp. 

Các ý kiến doanh nghiệp về đề nghị ngành chức năng hướng dẫn cụ thể việc tổ chức hoạt động trong giai đoạn hiện nay; hỗ trợ về xét nghiệm… cũng được Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An giải đáp. Một số kiến nghị được ghi nhận để trình lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết.
       
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn từ ngày 15/9 - 15/10, chỉ các doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu; doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được phép hoạt động.
       
Trong giai đoạn này, mỗi doanh nghiệp chỉ được hoạt động với tối đa 50% lượng lao động so với điều kiện bình thường và chỉ được sử dụng lao động đang cư trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh Long An; người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine từ 14 ngày trở lên. Người lao động khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; trong quá trình hoạt động phải tổ chức xét nghiệm tối đa 7 ngày/lần.
       
Trường hợp nếu người lao động về nơi cư trú thì doanh nghiệp phải tổ chức đưa đón bằng phương tiện chung, không cho phép người lao động sử dụng phương tiện cá nhân. Chỉ những lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trên địa bàn địa phương cấp huyện có doanh nghiệp hoạt động.

Đối với việc đưa, đón công nhân, Long An cũng đưa ra nhiều quy định rất cụ thể như: doanh nghiệp phải tổ chức điểm tập kết người lao động để đưa đón và có sự giám sát của chính quyền địa phương; người lao động phải cam kết đảm bảo nguyên tắc 5K; phải đăng ký số phương tiện, tài xế, cung đường, có sơ đồ bố trí chỗ ngồi; các phương tiện không được dừng, đỗ để người trên xe tiếp xúc với người khác dọc đường…

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
Hãng tàu phải công khai cước, phụ thu vận tải container tại Việt Nam
Hãng tàu phải công khai cước, phụ thu vận tải container tại Việt Nam

Liên quan đến các biện pháp quản lý giá cước vận tải biển, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa có văn bản tiếp tục yêu cầu các cảng vụ trực thuộc cập nhật, đăng tải công khai giá cước, phụ thu vận tải container bằng đường biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN