Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 18/11, tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao phát biểu tại Diễn đàn. 

Tham dự có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là khu vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước, có đóng góp to lớn trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy, tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung đưa ra những sáng kiến mới, tiếp tục nghiên cứu, tư vấn, phản biện trong hoạt động, khai thác thế mạnh về hợp tác quốc tế nhằm đóng góp cho sự phát triển của từng tỉnh, thành phố và cả khu vực.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày nhiều báo cáo tham luận như: Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong triển khai Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực trạng chính sách và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; những đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long trong các chương trình kế hoạch quy hoạch của địa phương…

Thay mặt nhóm tác giả của đề tài “Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết: biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang biểu hiện qua nhiệt độ thời tiết tăng, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển… Từ đó, tác động đến kinh tế như giảm năng suất và sản lượng nông sản, tăng chi phí sản xuất, tốn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đời sống người dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Diễn đàn.

Theo bà Lâm Thị Hoàng Oanh, các tỉnh, thành phố cần thực hiện một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu cho cán bộ quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng các công trình thủy lợi để chủ động tưới tiêu và trữ nước ngọt. Về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, nông dân nên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang các mô hình canh tác có khả năng chịu hạn, mặn, ngập lũ (mô hình kết hợp lúa - cá, lúa - cá - vịt) hay lựa chọn cây giống, con giống phù hợp. Việc trồng rau màu và cây ăn quả cần sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ; sử dụng màng phủ nông nghiệp phủ gốc để hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố trong khu vực từ năm 2019 đến nay. Mục tiêu chung là xây dựng một diễn đàn thường niên của các Liên hiệp Hội địa phương, các tổ chức thành viên, trực thuộc trong hệ thống, các chuyên gia và các bên liên quan để chia sẻ, giới thiệu, cập nhật chiến lược, đề án quy hoạch, chương trình, dự án, chính sách về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tìm kiếm và kết nối những sáng kiến, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triền bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Thông tin cơ bản về Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Thông tin cơ bản về Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại-đầu tư trong khu vực và trên thế giới; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN