Hội thảo do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Tổ chức Phi Chính phủ Friedrich Naumann Việt Nam (FNF) và Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Cần Thơ tổ chức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, hiện nay có ý kiến đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo ngập lụt ở đô thị bằng cách dùng camera, bản đồ, máy bay không người lái để thông báo. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, ông Tuấn cho biết, phương pháp này khá tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bởi vì dòng chảy ngập lụt ở đô thị, ví dụ như ở Huế, dòng chảy biến đổi rất thất thường, luồn lách qua các khu phố khác nhau, lúc đó sẽ có hiện tượng nước dềnh, chỗ ngập sâu, chỗ ngập ít. Khi đó, nếu dùng các phương tiện kỹ thuật để cảnh báo người dân thì sẽ không chính xác.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, một giải pháp khả thi hơn là xây dựng mạng lưới cộng tác viên (tương tự hệ thống cảnh báo giao thông trên sóng phát thanh) để thông báo tại chỗ. “Để có thể thông tin kịp thời tình hình ngập úng, có thể dùng các phương tiện phổ biến như nhắn tin qua các ứng dụng, sóng radio. Người dân sẽ thông báo cụ thể vị trí họ đang đứng ngập sâu bao nhiêu thì sẽ chính xác hơn bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào”, ông Tuấn nói.
Cũng theo chuyên gia này, khi có một mạng lưới những người cộng tác như vậy, việc cảnh báo ngập lụt sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ ở thành phố Cần Thơ, nếu áp dụng cách này thì sẽ có những số liệu tức thời để cập nhật vào bản đồ với mức độ chính xác rất cao.
Tại Hội thảo, ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, hiện nay vấn đề ngập lụt đô thị có nhiều nguyên nhân như triều cường, hệ thống cống thoát nước ở trung tâm đô thị cũ, chưa đồng bộ, mưa. Khi ba yếu tố này kết hợp cùng lúc, tình trạng ngập sẽ nặng nề hơn.
"Chúng ta có nhiều dự án, trong đó dự án nâng cấp đô thị vừa rồi xây dựng hệ thống đê bao, cống ngăn triều. Tuy nhiên, các dự án này chưa đồng bộ, vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Vấn đề trọng tâm nữa là ngập gây ảnh hưởng, cần có giải pháp điều tiết giao thông và cảnh báo cho người dân", ông Cảnh đề xuất.
Theo ông Cảnh, ngập ở Cần Thơ thường xảy ra vào mùa nước nổi (tháng 9, 10 và 11, ngập vào con nước rằm và 30 âm lịch), thời gian ngập chỉ vài giờ, không ngập suốt. Tổng cả năm thành phố ngập khoảng 40 - 50 giờ, vì vậy cần sử dụng hệ thống thông minh cảnh báo các tuyến đường ngập, thời gian ngập; nghiên cứu điều chỉnh giờ học sinh đi học, cảnh báo giao thông để thích ứng với biến khí hậu nhằm giảm thiểu nhiều nhất các tác động ngập lụt đô thị.
Ông Nguyễn Thanh Tại, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ) cho biết, Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng. Trong đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua, mực nước cao nhất đã lên tới 2,27m (vượt báo động III là 0,27m), gây ngập sâu nhiều khu vực nội ô thành phố. Điều này dẫn đến việc thực hiện các đồ án quy hoạch cũng như xây dựng phát triển đô thị cũng phải tính tới yếu tố cốt nền.
“Như khu vực trung tâm quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy có dự án của Ban Quản lý ODA với các đê bao, cống ngăn triều, cơ bản cốt nền không cần tôn cao, ảnh hưởng tới môi trường cũng như nguồn lực xã hội. Các khu vực còn lại phải tính tới câu chuyện thoát lũ và xây dựng”, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng nêu.
Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam về diện tích, dân số và quy mô kinh tế. Theo định hướng, thành phố Cần Thơ là trung tâm, cửa ngõ giao thương quốc tế, liên kết vùng và là động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, áp lực và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ là rất lớn. Trong giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ phát triển kinh tế của Cần Thơ tăng bình quân 6,38%/năm và tỷ lệ đô thị hóa là 71,5% vào năm 2021. Đứng trước những cơ hội và thách thức phát triển, Cần Thơ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và thay đổi tài nguyên nước. Vì vậy, việc quản lý đô thị, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và điều kiện đặc thù của thành phố là vấn đề được các nhà quản lý và khoa học quan tâm.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, xu hướng phát triển đô thị bền vững hướng tới đô thị tăng trưởng xanh - đô thị thông minh ở Cần Thơ cũng đang nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, do đó Hội thảo tập trung vào việc xây dựng các chính sách để phát triển thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông qua các ý kiến chia sẻ và ghi nhận những kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị bền vững của các thành phố khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Các kinh nghiệm được nêu tại Hội thảo sẽ được áp dụng trong việc quy hoạch đô thị, xác định xu hướng phát triển đô thị bền vững hướng tới đô thị tăng trưởng xanh của thành phố Cần Thơ; đồng thời ghi nhận những đề xuất, khuyến nghị chính sách cho thành phố trong việc phát triển đô thị bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu.