Chương trình Lễ cúng mừng lúa mới diễn ra với phần Lễ và Hội. Ở phần Lễ, già làng làm chủ lễ thực hiện các nghi thức: cúng hồn lúa tại rẫy, lễ rước hồn lúa về chòi (kho), lễ cúng mừng lúa mới tại chòi (nhập hồn lúa), lễ ăn cơm mới và cúng sức khỏe…
Phần Hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động như: thổi nhạc cụ dân tộc, đánh trống, diễn tấu cồng chiêng và các điệu múa truyền thống của người Gia Rai như múa “Mừng lúa mới được mùa”, múa xoang: “Mọi người ơi, hòa cùng nhịp xoang Gia Rai”…
Già làng Ama Khang, buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo cho biết, Lễ cúng mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn nói chung, người Gia Rai nói riêng, với ý nghĩa tôn vinh hạt lúa của các thần linh (yang) ban cho dân làng; cầu mong các thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc.
Ngoài việc cúng thần, hồn lúa, tổ tiên, cầu mong sức khỏe cho gia đình, người Gia Rai còn đánh cồng chiêng, vui chơi, ca hát để vui mừng, cùng nhau hưởng thành quả của quá trình lao động sản xuất ra hạt lúa.
Lễ cúng lúa mới không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Gia Rai, còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tạo thành sợi dây gắn kết cộng đồng người Gia Rai trên khắp các buôn làng. Việc duy trì Lễ cúng lúa mới sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Gia Rai trong các thế hệ trẻ.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Lễ cúng mừng lúa mới của người Gia Rai là một trong những hoạt động văn hóa góp phần hoàn thành các chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy Đắk Lắk và Nghị quyết HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.