Cuộc sống mới ở làng tái định cư Brang

Cuối năm 2016, 60 hộ dân với 243 nhân khẩu của làng Brang nằm trong vùng sạt lở của núi Kông HNon đã được chính quyền huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai hỗ trợ di dời đến khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của bà con, sau 4 năm tái định cư, làng Brang nay đã ổn định và dần khởi sắc.

Chú thích ảnh
Bộ mặt khang trang của làng Brang.

Khu tái định cư mới 3 ha được chính quyền địa phương và ngành điện bố trí gần 550 triệu đồng kéo 467 m đường dây hạ thế và lắp đặt một trạm biến áp công suất 50 kVA, cung cấp đầy đủ điện sinh hoạt tới từng hộ gia đình trong làng.

Ngoài ra, các hạ tầng cơ bản phục vụ cuộc sống như hệ thống nước sạch, đường giao thông, trường học,… cũng được đầu tư xây mới hoàn thiện. Nhờ có đầy đủ các điều kiện sống thiết yếu, các hộ dân nơi đây đều rất vui mừng và chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Trẻ em trong làng Brang được học tập đầy đủ khi về nơi ở mới. 

Anh Đinh Văn Miêu, Trưởng làng Brang, xã Đak Pling, huyện Kông Chro chia sẻ, 60 hộ dân sau khi di dời đến nơi ở mới thì cuộc sống đỡ khó khăn hơn, bởi có đầy đủ các công trình điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, trường học… phục vụ cuộc sống hàng ngày. Theo kế hoạch của xã, bà con trong làng đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Điện lực huyện Kông Chro cho biết: Từ khi làng được dời đến nơi ở mới để tránh sạt lở, điện lực Kông Chro cũng đã kịp thời hoàn thành đường dây và trạm biến áp để cung cấp điện cho các hộ dân. Hiện tại làng Brang đã có 39 khách hàng được cung cấp điện ổn định. Khi bà con có nhu cầu lắp mới công tơ thì điện lực Kông Chro sẽ đáp ứng ngay trong vòng 5 ngày, cùng với đó hướng dẫn lắp đặt đường dây sau công tơ để đảm bảo an toàn. 

Chú thích ảnh
 Dân làng Brang yên tâm lao động, sản xuất khi được chuyển đến nơi ở mới. 

Giờ đây, làng Brang đã “thay da đổi thịt”, không còn bị ám ảnh bởi núi Kông Hnon gieo họa thiên tai, sạt lở bất cứ lúc nào. Có đường bê tông, trường học khang trang, điện chiếu sáng khắp thôn làng, cùng những ngôi nhà mái tôn kiên cố đã tạo nên diện mạo nông thôn cho làng Brang thêm tươi mới. Người dân nơi đây đã đầu bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giao thương buôn bán với các địa phương khác vùng; trẻ em được chăm sóc sức khỏe và được cắp sách đến trường.

Theo báo cáo của UBND xã Đăk Plin, hiện thu nhập bình quân của bà con trong làng Brang đạt 15 triệu đồng/người/năm, cao hơn 30% so với trước khi chuyển làng và đặc biệt, làng Brang đã đủ tiêu chí để trở thành làng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Dân làng Brang vui mừng khi được chuyển đến nơi ở mới. 

Ông Đinh Phương, Chủ tịch UBND xã Đak Pling, huyện Kông Chro đánh giá, làng Brang sau khi di dời 60 hộ về nơi an toàn, cuộc sống của người dân được yên ổn, không còn lo ảnh hưởng do sạt lở nên bộ mặt của làng từng bước được phát triển. Năm 2020, xã đã chọn làng Brang là làng nông thôn mới và tập trung giúp làng phát triển kinh tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế, chính trị, an toàn xã hội của làng được đảm bảo.

Về nơi tái định cư mới với đầy đủ điều kiện sống hiện đại đã mở ra một tương lai mới với bà con dân làng Brang. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp dân làng Brang vững tin phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà
Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà

Bản Là Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) là 1 trong 4 bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên có cộng đồng người Cống sinh sống với 79 hộ dân, gần 400 nhân khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN