Cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng

Sau khi Tuần tin tức số 45 đăng chuyên đề “Cộng đồng cần được hưởng lợi từ rừng”, nhiều ý kiến đã đồng tình việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó  Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:
Bảo vệ, gắn kết  người dân với  những cánh rừng  

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các bản đều lập quy ước, hương ước để bảo vệ rừng, vì thế ý thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng thôn bản được phát huy. Ngoài bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, công tác trồng rừng mới được tỉnh Lai Châu chú trọng. Cũng nhờ giữ màu xanh hay gắn kết giữa người dân với những cánh rừng, thu nhập từ các lâm sản dưới tán rừng ngày càng cao, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.  Những năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi, chăm sóc, tái sinh rừng, đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi thay. 

Người dân bản Pắc Pạ, xã Vàng San, huyện Mường Tè (Lai Châu) chăm sóc diện tích cây quế.

Rừng được giữ và bảo vệ tốt, góp phần chống xói mòn, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cân bằng sinh thái, mang lại nhiều nguồn thu nhập cho người dân. Từ các bản làng vùng thấp đến vùng núi cao tỉnh Lai Châu, đi đến đâu cũng bắt gặp màu xanh của rừng được bao phủ khắp núi đồi. Đồng bào nơi đây coi rừng như “món quà” quý báu trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tăng thu nhập từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Tính đến hết tháng 6/2017, tỉnh Lai Châu có hơn 2.437 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng và các chủ đầu tư dự án cũng phải có trách nhiệm trồng rừng thay thế số diện tích này. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã triển khai trồng trên 5.336 ha rừng (vượt gần 3.000 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng).  Tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân tái cơ cấu nền nông nghiệp, có nhiều nguồn thu từ rừng. Các dự án trồng rừng được vận dụng theo thực tế của tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào dân tộc, nhằm gắn việc trồng rừng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thông qua việc hình thành các vùng tập trung với cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.  

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình: 
Duy trì ổn định độ che phủ của rừng trên 50% 

Tỉnh Hòa Bình luôn tạo điều kiện cho chủ rừng chủ động tổ chức sản xuất theo hướng xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp; các chương trình, dự án lâm nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng được quản lý, nghiệm thu chặt chẽ. Với mục tiêu duy trì ổn định độ che phủ của rừng trên 50% diện tích tự nhiên, cải thiện chất lượng rừng đáp ứng yêu cầu về phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, những năm gần đây, tỉnh miền núi Hòa Bình đưa chỉ tiêu trồng rừng vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, mỗi năm trồng từ 7.000 - 8.000 ha rừng.  

Để nâng cao hiệu quả trồng rừng kinh tế, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh. Nhiều hộ ở các huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi trồng các giống keo lai, cây phát triển tốt, bộ rễ phát triển, không bị cụt ngọn, không bị sâu bệnh, cây sinh trưởng mạnh gấp 1,5 - 2 lần giống keo cũ tại địa phương; tăng năng suất lên 20% so với các giống đại trà.

Ông Cao Nhâm ở xã Khánh Thành (Khánh Hòa) sở hữu rừng keo lên đến 12ha.

Anh A Hoàng, Trưởng làng  Đăk Glêy, xã Đăk Choong,  huyện Đăk Glei (Kon Tum): 
Người dân có trách nhiệm tham gia  bảo vệ rừng

Để bảo vệ rừng, thôn phân chia theo nhóm. Hộ nào cũng có trách nhiệm bảo vệ rừng. Người dân trong làng rất ý thức, coi trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chính sách này còn giải quyết bài toán làm thế nào để người dân có thể sống được nhờ rừng, từ đó quản lý, bảo vệ và phát trển rừng tốt hơn. Khoảng 170 hộ dân, người dân tộc Giẻ - Triêng ở làng Đăk Glêy những năm gần đây đã thực hiện tốt việc bảo vệ rừng.

Thời gian qua, diện tích 766 ha rừng người dân địa phương nhận quản lý, bảo vệ từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được bảo vệ nghiêm ngặt.  Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, việc quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn, người dân có thêm quyền lợi. Tuy nhiên, trong quá trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, một số hộ dân kiến nghị nên giao cho thôn, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng vì phong tục của đồng bào là sống theo cộng đồng. 

Giao cho cộng đồng, vấn đề tổ chức quản lý sẽ mạnh hơn. Bên cạnh đó, nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng, người dân sử dụng rất hiệu quả. Người dân dùng tiền dịch vụ môi trường rừng mua gia súc, gia cầm, cây giống phát triển kinh tế. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên hiệu quả công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
V.T/Báo Tin tức
Độc đáo 'cây thần' và luật tục bảo vệ rừng của người Thái ở Điện Biên
Độc đáo 'cây thần' và luật tục bảo vệ rừng của người Thái ở Điện Biên

Từ nhiều năm nay, người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) đã truyền nhau thông tin tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tồn tại một cây Mạy Noọng to lớn, hiếm gặp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN