Theo cơ quan chủ quản, nhiều diện tích rừng đang trong tình trạng khô hạn, nguy cơ cháy cao. Do vậy, khi có trận mưa đầu tiên sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy, áp lực phòng cháy rừng càng cao, đặt trên vai những người chủ rừng, người giữ rừng trọng trách hết sức nặng nề. Nếu như cơn mưa kèm theo sấm sét sẽ càng dễ xảy ra cháy rừng. Thực tế, nhiều vụ cháy rừng ở Cà Mau trong những năm trước đây có nguyên nhân liên quan đến sấm sét.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau luôn chủ động, sẵn sàng các biện pháp, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, huy động nhân lực tại chỗ, phương tiện chữa cháy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Thời điểm này, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô luôn được địa phương đặt trong tình trạng cảnh giác cao nhất, không chủ quan, lơ là; đặc biệt là các đơn vị, chủ rừng bố trí lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có trên 40.000 ha rừng tràm ở U Minh Hạ và rừng các cụm đảo đã bị khô hạn; trong đó, có gần 1.400 ha rừng dự báo cháy cấp 5 (cấp cháy cực kỳ nguy hiểm). Diện tích báo cháy cấp 5 tập trung nhiều tại các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) và toàn bộ diện tích rừng trên cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối.
Dự báo, nếu tình hình nắng nóng vẫn chưa ‘‘hạ nhiệt’’, khả năng trong vài ngày tới, Cà Mau sẽ có thêm nhiều diện tích rừng tràm ở U Minh Hạ chuyển sang cấp độ dự báo cháy cấp 5 - cấp dự báo cháy cao nhất.