Chủ động ứng phó với ngập lũ nội đồng

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng kết hợp triều cường trên địa bàn, nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đời sống nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bơm nước ra bảo vệ lúa (ảnh tư liệu).

Nhận định tình hình khí tượng, thủy văn từ tháng 9 - 11/2024 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, mực nước các trạm đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 9 - 10/2024 chuyển sang chế độ mùa lũ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào giữa tháng 10, đỉnh triều dự báo ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm dẫn đến tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng. Mực nước lên cao sẽ gây ngập úng các khu vực sản xuất ven các kênh Cái Sắn, Rạch Giá - Long Xuyên, Kiên Hảo, Ba Thê, Mỹ Thái, Tri Tôn…
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng là vùng Tứ giác Long Xuyên, với các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, thành phố Hà Tiên và một phần thành phố Rạch Giá, là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ sông Hậu và lũ tràn qua biên giới Campuchia. Tiếp đến, vùng Tây sông Hậu, với các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và một phần thành phố Rạch Giá.
 
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh vận hành hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, hệ thống cống ven sông Cái Bé, hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No, đê bao vùng đệm U Minh Thượng để kịp thời tiêu úng do mưa lớn kết hợp triều cường và tiêu thoát lũ. Mặt khác, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi, triển khai nạo vét các kênh, kênh hạ lưu các cống bị bồi lắng để khai thông dòng chảy trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây.
 
Tiếp đến, các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng, đánh giá khả năng chống lũ của từng tuyến bờ bao, mức đảm bảo an toàn tương ứng với mực nước lũ tại các trạm là mức báo động 2. Qua đó, kịp thời gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa, lũ nhằm đảm bảo an toàn sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ triển khai khai nạo vét kênh mương kết hợp gia cố, đắp mới đê bao, bờ bao, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi phòng, chống ngập lũ nội đồng theo kế hoạch đã được phê duyệt trong năm 2024.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và Thu Đông 2024 phù hợp với tình hình nguồn nước; tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn trong trồng các loại rau màu thích hợp, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại, sản xuất an toàn, hiệu quả. Khuyến cáo người dân vùng ảnh hưởng lũ, thu hoạch sớm sản phẩm nông sản để tránh bị thiệt hại.
 
Ngoài ra, các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, yêu cầu về phòng, chống lũ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ để chủ động trong sản xuất; đồng thời, đối với các ô bao trong vùng lũ đã thu hoạch dứt điểm, hướng dẫn, vận động người dân chủ động cho lũ vào đồng theo từng ô khép kín để giảm áp lực lũ, vệ sinh đồng ruộng lấy phù sa, phục vụ sản xuất cho những vụ tiếp theo.
 
Vụ Hè Thu năm 2024, tỉnh xuống giống 277.294/276.000 ha, đến thời điểm này đã thu hoạch hơn 204.332 ha, đạt 73,69% diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 6,02 tấn/ha, các trà lúa còn lại đang thu hoạch dứt điểm trong tháng 9.
 
Tiếp đến, vụ Thu Đông 2024, tỉnh xuống giống 95.114/74.000 ha, đạt 128,53% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, đến nay, đã thu hoạch 5.729 ha, năng suất bình quân 5,88 tấn/ha, sản lượng ước đạt 33.663 tấn. Lúa vụ Mùa 2024 - 2025, tỉnh đã gieo trồng hơn 19.335 ha, tập trung ở các huyện Vĩnh Thuận, Giang Thành, An Biên, An Minh và lúa ở giai đoạn mạ. Ngoài ra, tỉnh có diện tích nhóm cây ăn trái trên địa bàn hơn 16.759 ha, nhóm cây công nghiệp 7.562 ha, hơn 1.456 ha rau màu… Các trà lúa, diện tích cây ăn trái, hoa màu này, dự báo nhiều khả năng bị ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng kết hợp triều cường cần chủ động ứng phó.
 
Đối với vụ nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi của tỉnh 136.365/136.000 ha, gồm: Nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến, tôm - lúa. Sản lượng tôm thu hoạch đến nay 112.031 tấn, đạt 86,18% kế hoạch. Theo đó, các địa phương chủ động ứng phó lũ đối với diện tích nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn cho sản xuất, nhất là các vùng nuôi tôm ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc vùng tập trung thoát lũ, có đê bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, sạt lở gây thiệt hại; khuyến cáo người nuôi tôm tính toán thời điểm thu hoạch hợp lý và không tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn điểm lũ dâng cao.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đồi đất
Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đồi đất

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3804/QĐ-UBND về việc Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Như Xuân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN