Chậm sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty lâm nghiệp vùng Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn chậm trong sắp xếp, chuyển đổi công ty lâm nghiệp nên không những sản xuất kinh doanh kém hiệu quả mà còn làm suy giảm tài nguyên rừng.

Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trong vùng chậm chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị về thủ tục hành chính, thực hiện việc rà soát, đo đạc, chuẩn bị cắm mốc đất đai.

Do thiếu kinh phí nên phần lớn các công ty chưa thực hiện xong làm ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất, sử dụng tài sản. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động với các công ty lâm nghiệp còn thiếu nguồn lực…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị các Bộ, ngành chức năng sớm hỗ trợ kinh phí để các tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai việc rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rà soát đất đai của các công ty lâm nghiệp để có điều kiện giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các công ty lâm nghiệp hoạt động công ích, đề nghị Trung ương cần sớm ban hành đơn giá dịch vụ công ích quản lý bảo vệ rừng trên cơ sở đơn giá rừng, đồng thời, đảm bảo cấp đủ, kịp thời kinh phí để các công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hoặc chuyển các công ty thành đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng…

Các tỉnh Tây Nguyên tổ chức triển khai rà soát, đo đạc lại đất đai, xác định ranh giới chuẩn bị cắm mốc, xác định lại giá trị tài sản, rà soát công nợ, xây dựng phương án sử dụng đất, phương án sản xuất kinh doanh…trình UBND các tỉnh Tây Nguyên phê duyệt.

Tỉnh Đắk Lắk có 6 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp, gồm: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả, Ea Wy thuộc diện duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu Công ty Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích.

Đồng thời, chuyển Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk thành Ban Quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập.

Tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi 6 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp thành Công ty TNHH Hai thành viên trở lên; trong đó, một số đơn vị hoàn tất chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên và đi vào hoạt động. Cụ thể như, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Phước An với thành viên thứ 2 là Công ty Cổ phần Đầu tư Lang Biang đã đi vào hoạt động.


Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Rừng Xanh cùng với thành viên thứ 2 là Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH Tây Nguyên (Tập đoàn TH True Mikl) thành Công ty Công ty TNHH hai thành viên Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk…

Cũng theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới hoạt động, trong 55 công ty lâm nghiệp hiện có của vùng Tây Nguyên thì có 2 công ty thực hiện duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

36 công ty thực hiện duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu là công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, 8 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, 1 công ty chuyển thành công ty cổ phần, 2 công ty chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu và giải thể 6 công ty.

Quang Huy (TTXVN)
Cách chức Bí thư Chi bộ Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa
Cách chức Bí thư Chi bộ Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông cũng quyết định kỷ luật cảnh cáo Chi bộ Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa trong 2 nhiệm kỳ (2010 – 2015) và (2015 – 2020) vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý bảo vệ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN