Đến nay, cả 4 huyện của thành phố Cần Thơ gồm Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trước đó, huyện Phong Điền được công nhận năm 2015, huyện Vĩnh Thạnh được công nhận năm 2018. Thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cờ Đỏ và Thới Lai là hai huyện có xuất phát điểm khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém, mức hưởng thụ về vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, hai huyện đã có nhiều nỗ lực, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Những cách làm hiệu quả về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng thiết yếu, sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất mới có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và giữ vững an ninh trật tự nông thôn. Đặc biệt, hai huyện Cờ Đỏ và Thới Lai đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn ngân sách trên địa bàn, cùng với việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên và liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Việc củng cố và nâng cao chất lượng, tiêu chí phát triển nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường và đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân; lấy người dân là chủ thể.
Ông Trần Quốc Trung đề nghị các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, nâng chất các tiêu chí đã đạt, tiến đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ giàu đẹp, văn minh.
Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ Nguyễn Trường Thọ cho biết, toàn huyện có hơn 28.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 70% người dân sống bằng nông nghiệp. Những năm qua, Huyện ủy chỉ đạo các ngành quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, quan tâm hỗ trợ nhân dân về khoa học kỹ thuật, vốn, xây dựng mô hình cánh đồng lớn để sản xuất lúa đạt chất lượng xuất khẩu; đồng thời, chỉ đạo các ngành hỗ trợ người dân trong sản xuất và bao tiêu nông sản.
Trên cơ sở xác định thế mạnh là sản xuất lúa chất lượng cao, Cờ Đỏ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản lượng lúa bình quân hằng năm đạt 400.000 tấn, có trên 95% là lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Diện tích cánh đồng lớn tăng theo từng năm, đến năm 2019 huyện có hơn 32.500 ha, có 12 doanh nghiệp bao tiêu.
Huyện ủy Cờ Đỏ cũng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển rau màu, thủy sản, kinh tế vườn. Ðến nay, toàn huyện có 4.500 ha rau màu, hơn 5.000 ha thủy sản và 3.856 ha cây ăn trái. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt trên 174 triệu đồng/năm, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 53,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2011.
Trong khi đó, huyện Thới Lai là địa phương có số xã tham gia xây dựng nông thôn mới nhiều nhất của thành phố Cần Thơ. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - quyền Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, các xã đã xác định rõ cách làm, bước đi triển khai xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã huy động được sự vào cuộc của các chức sắc tôn giáo trong vận động xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả tại mỗi địa phương.
Qua hơn 9 năm xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội của Thới Lai được tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới, góp phần thay đổi khá nhanh diện mạo nông thôn. Nổi bật là huyện đã xây dựng mới 226 km và nâng cấp sửa chữa 112 km đường giao thông nông thôn 2 m; xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa đường nhựa, đường giao thông nông thôn 4 m; xây dựng mới 131 cây cầu kiên cố... với tổng kinh phí hơn 721 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho việc giao thông, đi lại của người dân được thuận lợi hơn, bộ mặt nông thôn đã thực sự chuyển biến rõ nét đến từng xóm ấp.
Với quyết tâm lấy hiệu quả mô hình sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất làm đòn bẩy nâng cao thu nhập, tại Thới Lai xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: trồng thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận trên 350 triệu đồng/ha/năm; trồng dưa hấu chuyên canh có lợi nhuận bình quân đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm; sản xuất lúa giống cho lợi nhuận trên 35 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 10 triệu đồng/ha/vụ so với làm lúa hàng hóa...
Giai đoạn 2020-2025, huyện Cờ Đỏ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chung sức, đồng lòng đóng góp và huy động nhiều nguồn lực xây dựng 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã Trung An đạt tiêu chuẩn đô thị loại 5.
Còn tại Thới Lai, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới ở tất cả các xã; tiếp tục phát triển hạ tầng cơ sở trên địa bàn các xã, nâng cao tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, thiết chế văn hóa...; tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hình thức liên kết, hợp tác, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của huyện.
Tại buổi lễ, 16 tập thể và 31 cá nhân của huyện Thới Lai và Cờ Đỏ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.