UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
UBND tỉnh đã xác định sáu nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Cà Mau tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các định hướng phát triển của Trung ương và của tỉnh, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình, khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả. Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra, không để lúng túng, bị động, bất ngờ.
Địa phương nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Cùng với đó, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước phù hợp theo hướng tập trung chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, ưu tiên chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đầu tư phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm.
Tỉnh nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Cà Mau tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP); đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường...
Tỉnh Cà Mau thực hiện đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Cà Mau phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế.
Tỉnh tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Trong đó, cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án, phương án gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với thực tế, phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế thời gian qua. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, sáng tạo, bứt phá trên các lĩnh vực, vươn lên thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cùng với sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt đã thúc đẩy, phát triển ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh...; kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên tất các lĩnh vực. Nổi bật, so với cùng kỳ năm trước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 41.982 tỷ đồng, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,3 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,56%; giải quyết việc làm cho 41.680 lao động... Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,9% (năm 2021 là 56%). Đời sống, vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao.