Vốn quý về mặt văn hóa
Buôn Akô Dhông, theo tiếng của người Ê Đê, Akô Dhông có nghĩa là đầu thung lũng, đầu nguồn mạch nước, đầu nguồn suối, là mạch nguồn của cuộc sống, cũng là chốn thiêng, là nơi cực kỳ quan trọng. Buôn còn có nhiều tên gọi khác như: buôn Akô Thôn, buôn Cô Thôn, buôn Akô D’hông. Hiện nay, với diện tích hơn 62ha, buôn có 278 hộ sinh sống với 1.042 nhân khẩu. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 68 hộ với 332 nhân khẩu.
Từ Buôn Ma Thuột nhộn nhịp, đặt chân tới buôn Akô Dhông, nhịp sống như chậm lại với khung cảnh hài hòa, cỏ cây và kiến trúc cổ đặc trưng của người Ê Đê được thể hiện rõ nét. Dọc các đường chính của buôn, ở mỗi nhà dân đều có một căn nhà dài truyền thống - ngôi nhà tượng trưng cho văn hóa của dân tộc Ê Đê phía trước, những ngôi nhà xây ở phía sau.
Theo Nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan, một người dân trong buôn Akô Dhông, với người Ê Đê, nhà dài chính là máu thịt, là trái tim, là điều gần gũi và thiêng liêng nhất. Ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của cả gia đình mà còn là không gian văn hóa, nơi tổ chức các nghi lễ cúng của người Ê Đê. Trước đây, khi người dân trong buôn giàu lên nhờ cây cà phê, nhiều người đã tính phá bỏ những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại. Thấy vậy, già Ama H’Rin (một buôn trưởng, già làng quá cố của buôn) đã cùng với chính quyền đề ra hương ước, quy ước quy định các hộ xây nhà mới theo phong cách hiện đại thì xây ở phía sau, nhà dài truyền thống ở phía trước, từ đó trong buôn không còn ai có ý nghĩ xóa bỏ nhà dài.
Điều đặc biệt trong thiết kế nhà dài của người Ê Đê là khung như nhau, nhà thẳng tắp, không quá cao hoặc quá thấp, cửa sổ của 5 - 6 nhà có thể nhìn thấy nhau. Trong nhà dài, nhà có bao nhiêu người con sẽ có bấy nhiêu phòng. Tùy vào hoàn cảnh gia đình, những gia đình khấm khá thì có cầu thang dẹp còn gia đình nghèo hơn thì có cầu thang tròn. Mỗi nhà đều có một cầu thang đằng trước, một cầu thang đằng sau. Khi con gái lớn lên, lấy chồng (chế độ mẫu hệ) thì bố mẹ nối nhà thêm một căn nữa, cứ như vậy nối thành nhà dài.
Ngoài nhà dài, người dân buôn Akô Dhông vẫn giữ được những nét truyền thống như phụ nữ học dệt thổ cẩm, con trai say mê đánh cồng chiêng, nhà nhà học cách làm rượu cần. H’Tít Alêo, Bí thư Chi Đoàn buôn Akô Dhông chia sẻ, H’Tít tự hào vì được sinh ra và lớn lên tại buôn Akô Dhông. Là một cô gái Ê Đê, thuộc chế độ mẫu hệ, H’Tít tự nhủ phải là một trong những người tiếp tục gìn giữ và phát triển văn hóa của người Ê Đê để các buôn khác học hỏi, gìn giữ theo.
Theo lời kể của người dân trong buôn, ngoài nhà sàn dài, hiện nay hầu như tất cả các gia đình đều gìn giữ được bộ cồng chiêng, các ché, gùi và trong mỗi gia đình đều có những bộ trang phục của người Ê Đê. Và trong đó, họ luôn gìn giữ những lời kể khan, lời ca tiếng hát ông bà xưa để lại. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày Tết, người dân trong buôn diện trang phục truyền thống, hòa mình xuống đường phố tạo những bức tranh rất đẹp, độc đáo riêng. Đặc biệt, hiện nay trong buôn Akô Dhông đã có hai đội chiêng, một đội chiêng trẻ và một đội chiêng của các nghệ nhân lớn tuổi, việc tập luyện, giao lưu đã góp phần tạo nên khí thế phong trào khi “nhà nhà có chiêng, người người đánh chiêng”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn, với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, việc gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống của những buôn đồng bào dân tộc thiểu số như buôn Akô Dhông là điều rất đáng trân quý. Là một người làm công tác quản lý văn hóa, thế nhưng mỗi lần đến buôn Akô Dhông, ông Đặng Gia Duẩn vẫn thấy lôi cuốn bởi những nét văn hóa dân gian mà người dân buôn Akô Dhông thể hiện, bởi khi đến với mỗi hộ gia đình đều có cảm giác sống trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê mà văn hóa cồng chiêng là tiêu biểu.
Phát triển du lịch cộng đồng
Với những lợi thế sẵn có về văn hóa dân tộc Ê Đê, buôn Akô Dhông nằm trong định hướng của tỉnh Đắk Lắk về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Ê Đê. Người dân trong buôn ngoài giữ gìn những nét văn hóa truyền thống cùng lối sống chan hòa, giản dị đã biết làm du lịch bằng chính vốn văn hóa của dân tộc Ê Đê. Những quán cà phê, nhà hàng, quầy bán đồ thổ cẩm/đồ lưu niệm, khu du lịch sinh thái dần xuất hiện cùng những món ăn ẩm thực đặc sắc của người Ê Đê, những ché rượu cần, tiếng cồng tiếng chiêng, lửa trại và lời ca tiếng hát vừa cao trào như ngọn lửa cao nguyên vừa duyên dáng, bình dị đã thu hút, mời gọi những ai yêu mến nét văn hóa đặc trưng này tìm về.
Theo chị Nguyễn Đỗ An, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng, điều đặc biệt của buôn Akô Dhông là khi trở lại, khung cảnh hữu tình, không khí trong lành, nét đẹp tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê vẫn được giữ nguyên. Khi đến với buôn, chị An và bạn bè có cảm giác bình yên, như được trút bỏ những muộn phiền và hối hả của cuộc sống, của công việc. Do đó, chị An cùng bạn bè mỗi lần đến Buôn Ma Thuột đều ghé vào buôn Akô Dhông để trò chuyện, nghỉ dưỡng.
Còn theo chị Nguyễn Hoàng Mai, du khách đến từ thành phố Hà Nội, những lợi thế sẵn có của buôn Akô Dhông phù hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch theo nhóm và đoàn khách Việt Nam. Để thu hút rộng rãi du khách dạng phượt và du khách nước ngoài, buôn Akô Dhông cần tạo nên những tour trải nghiệm thật sự dân dã để du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm, học hỏi những nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê.
Để phát triển du lịch cộng đồng ở buôn Akô Dhông, trong thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 6 lớp tập huấn về cách làm du lịch cộng đồng cho các hộ kinh doanh, thanh niên trong buôn. Đồng thời, Sở tổ chức cho người dân trong buôn đi học hỏi mô hình làm du lịch cộng đồng thành công ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc.
Theo H’Tít Alêo, Bí thư Chi Đoàn buôn Akô Dhông, qua học hỏi, thanh niên trong buôn biết được rằng, văn hóa muốn phát triển thì bản thân mình phải biết được văn hóa và hiểu được văn hóa sau đó truyền đạt lại một cách tích cực nhất. Kết luận 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Theo H’Tít, đây sẽ là cơ hội, là bàn đạp rất tốt để phát triển du lịch tại buôn Akô Dhông. Điều đó đòi hỏi, thanh niên buôn không lãng quên văn hóa của dân tộc, phải yêu mến văn hóa dân tộc, châm ngòi ngọn lửa yêu thương văn hóa và truyền đạt cảm hứng đến thanh niên khác.
Theo ông Đỗ Minh Đức, Bí thư Chi bộ buôn Akô Dhông, hiện nay người dân trong buôn làm du lịch theo hướng tự phát. Việc phát triển du lịch cộng đồng còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất chưa ổn định, nhân dân chưa có nghiệp vụ về phát triển du lịch. Trong thời gian tới, tỉnh, thành phố cần có sự đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất, về con người, về định hướng để nhân dân buôn phát triển du lịch đúng lộ trình và đồng bộ. Mặt khác, khi phát triển du lịch phải tạo ra chuỗi du lịch, phải có nhà đầu tư, có tổ chức, vừa làm du lịch vừa liên kết du lịch để có nguồn khách đến buôn Akô Dhông, từ đó tạo ra việc làm cũng như thu nhập ổn định cho người dân buôn.
Về phía Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Phó Giám đốc Đặng Gia Duẩn, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu xây dựng những chương trình, đề án, dự án cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng ở buôn Akô Dhông, với mục đích là nâng cao nhận thức của người dân về tự làm du lịch, tự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vì người dân là chủ thể. Ngoài ra, Sở sẽ tìm kiếm những nguồn lực, các cơ chế hỗ trợ người dân một cách thiết thực, để họ có thể đứng vững và phát triển được với nghề làm du lịch.
Phát triển du lịch, phát triển kinh tế cũng là mong mỏi của người dân buôn Akô Dhông. Và cái hay hiện nay là dẫu có làm du lịch, dẫu tối đón tiếp đoàn du khách lớn thì rạng sáng ngày hôm ấy, người dân vẫn vác cuốc đi làm bởi cuộc sống của họ bao đời nay không thể tách rời nương rẫy. Và chiều về, họ tất bật chuẩn bị cơm lam gà nướng, rượu cần, canh cà đắng, đu đủ giã kiến vàng… cùng những món ẩm thực khách, cùng tiếng cồng tiếng chiêng và lời ca tiếng hát để đón tiếp du khách. Cũng chính từ lối sống chan hòa giản dị ấy, cùng kiến trúc nhà dài đặc biệt, bến nước, thổ cẩm và những nét văn hóa khác đã làm nên một buôn Akô Dhông có “một không hai” giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột.