“Buôn Cháy” hồi sinh
Đồng bào Ê đê đặt cho buôn căn cứ cánh mạng Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, là buôn Cháy, bởi trong kháng chiến buôn bị Mỹ - Ngụy phóng hỏa thiêu rụi.
Ở tuổi 74, bà H’Răng Niê vẫn còn nhớ như in những thăng trầm của buôn Ea M’droh. Bà H’Răng kể, ngày đó, đồng bào Ê đê trong buôn đồng lòng theo cách mạng. Thanh niên trong buôn ngày đi làm rẫy, đêm đến lại gùi gạo vào rừng tiếp tế cho bộ đội. Biết buôn nuôi giấu cán bộ cách mạng, Mỹ - Ngụy tìm mọi cách diệt hậu phương kháng chiến. Năm 1962, khi bà đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) thì nghe tin giặc đốt buôn. Tất cả tài sản nhà cửa, trâu bò, ngô lúa… bị ngọn lửa quân thù thiêu rụi. Chúng đốt lúc giữa trưa, buôn chỉ có vài người già và trẻ nhỏ. Không có người chết cháy, nhưng người dân vô cùng hoảng loạn. Buôn bị đốt mất sạch tài sản nhưng tất cả vẫn một lòng theo Đảng, theo Cách mạng. Đồng bào Ê đê buôn Ea M’droh cùng nhau vào rừng trú ẩn, tiếp tục sản xuất phục vụ kháng chiến.
Sau ngày đất nước thống nhất, 36 hộ dân tìm về xây dựng lại buôn cũ. Lúc bấy giờ, buôn đã trở thành vùng đất hoang, cây cối um tùm. Người dân cùng nhau cắt tranh, tre nứa dựng nhà, chia nhau vào rừng đào củ mài, khai hoang đất sản xuất rồi đến các buôn khác xin hạt giống gieo trồng. Từ đó, người dân đặt cho buôn Ea M’droh cái tên “buôn Cháy”.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, “buôn Cháy” ngày nào nay đã bừng sức sống. Toàn buôn hiện có 265 hộ, với 1.057 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Ê đê. Cả buôn hiện còn 16 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.
Theo Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm, Nhà nước đưa điện về buôn, nhà nhà dùng nước sạch, đường giao thông được trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Bà con đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới khang trang, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Điều đáng mừng nhất là thanh niên trong buôn biết giữ gìn văn hóa, phát triển các mô hình kinh tế, số học sinh học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khoảng 20 cháu. Người dân đã bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu và hình thành nếp sống văn hóa mới.
Buôn Cháy được như bây giờ là nhờ sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước ngay từ những ngày đầu trở lại buôn. Năm 1990, bộ đội Đắk Lắk cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con dựng cho 66 ngôi nhà sàn gỗ và 33 giếng nước, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất cây trồng cao hơn. Huyện, xã tổ chức nhiều chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đồng bào từng bước áp dụng công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu cho giá trị kinh tế cao. Vì vậy, đời sống người dân từng nước được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết, người dân buôn Ea M’droh vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức chung lòng phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Địa phương định hướng xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống, con người ở vùng đất cách mạng. Hiện buôn đang xây dựng nhà tưởng niệm căn cứ cách mạng, sắp tới sẽ xây dựng lại bến nước truyền thống của đồng bào Ê đê và bảo tồn 58 căn nhà dài bộ đội làm cho dân.
Không chỉ có “buôn Cháy” mà nhiều buôn làng khác ở Đắk Lắk đang vươn lên mạnh mẽ dưới ánh sáng soi đường của Đảng.
Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, với diện tích rộng hơn 13 nghìn km2. Tỉnh có 15 huyện, thị xã, thành phố; 184 xã, phường, thị trấn với 2.481 buôn, thôn, tổ dân phố, trong đó có 4 xã biên giới, 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Dân số khoảng 1,9 triệu người, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Đồng bào các dân tộc thiểu số có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bằng nhiều nguồn lực khác nhau thông qua các chương trình, dự án, đề án, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn văn hóa, nhất là ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng. Hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc đều được triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các phong trào thi đua trong vùng dân tộc thiểu số như cuộc vận động: “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Tết Vì người nghèo"... được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, hiệu quả.
Nhờ có sự ưu tiên đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 98% thôn, buôn có điện lưới quốc gia, trường lớp xây dựng khang trang, 99,45% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng ở các buôn làng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của đồng bào... Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm xuống còn 4,99% năm 2020; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm. Diện mạo nông thôn, miền núi đã thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên đáng kể.
Đánh giá về những thành tựu đạt được trong công tác dân tộc, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk phấn khởi cho biết, trong những năm qua, chính sách dân tộc và công tác dân tộc được tỉnh Đắk Lắk triển khai kịp thời, khá đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư xây dựng. Các chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, quản lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số được triển khai đạt kết quả tích cực. Tình hình an ninh, chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, góp phần củng cố, phát huy, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy vậy, theo ông Y Biêr Niê, kinh tế-xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, kinh tế phát triển giữa các vùng chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong tỉnh; tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp; việc hỗ trợ nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê, quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chủ trương xuyên suốt và ưu tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước nhằm giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Đắk Lắk đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội.
Hơn nữa, việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kinh tế-xã hội phát triển, văn hóa được bảo tồn, đồng bào sẽ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ đất nước.