Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, tại các huyện, thị phía Tây xảy ra 4 điểm sạt lở mới với tổng chiều dài gần 500 m, ước tính kinh phí đầu tư xử lý khắc phục khoảng 7,6 tỷ đồng.
Sông Ba Rày chảy qua địa bàn huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy là một trong những điểm nóng về sạt lở không chỉ ảnh hưởng sản xuất và đời sống nhân dân mà còn đe dọa an toàn giao thông. Mới đây, vào rạng sáng 6/7, bờ phía Tây sông Ba Rày, đoạn qua khu vực nhà ông Nguyễn Văn Thảo, ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đã xảy ra một điểm sạt lở nghiêm trọng.
Một đoạn bờ Tây dài khoảng 26 m sạt lở toàn bộ xuống sông. Sạt lở đã tạo hàm ếch ăn sâu vào trong, đe dọa cắt đứt tuyến đường huyện 54C. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, tạm thời chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo, hạn chế xe cộ qua lại trong khi chờ đợi đầu tư kinh phí lớn để khắc phục.
Trước đó, vào thời điểm đầu năm 2022, cũng tại bờ Tây sông Ba Rày, đoạn qua khu vực nhà của ông Truyện Văn Mì, Ấp 1, xã Cẩm Sơn, kế cận đoạn sạt lở mới hiện nay cũng bị sạt lở nghiêm trọng khiến một đoạn huyện lộ 54C dài gần 50 m sụp đổ hoàn toàn xuống sông. Đoạn sạt lở nhà ông Truyện Văn Mì vừa mới khắc phục xong không lâu thì tiếp tục xảy ra sạt lở khu vực qua nhà ông Nguyễn Văn Thảo. Còn theo thống kê, chỉ trên đoạn sông Ba Rày chảy qua địa bàn xã Cẩm Sơn, trong hai năm 2021 và 2022 đã xảy ra 16 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 600 m.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, sạt lở bờ Đông và Tây sông Ba Rày trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi kinh phí lớn, giải pháp phù hợp để khắc phục. Do vậy, cần có sự hỗ trợ một cách căn cơ của các đơn vị hữu quan, nhất là tỉnh và huyện đối với địa phương về phương án, kinh phí đầu tư, giải pháp...
Trước mắt, UBND xã Cẩm Sơn phải đầu tư hàng trăm triệu đồng xử lý những điểm sạt lở nhỏ, làm kè chống sạt lở, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi... Mặt khác, địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió; chung tay nuôi giữ lục bình ven sông hạn chế sóng vừa tạo thêm bãi bồi cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu phòng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Ngoài sông Ba Rày, hệ thống các tuyến sông Phú An (huyện Cai Lậy), sông Cái Bè (huyện Cái Bè),…cũng là những điểm nóng về sạt lở bờ sông, kênh rạch tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, đòi hỏi phải đầu tư kinh phí lớn để khắc phục.
Tại huyện Cái Bè hiện còn 39 điểm sạt lở từ các năm trước, có tổng chiều dài trên 2.255 m đang chờ xử lý khắc phục với tổng kinh phí đầu tư ước trên 39,6 tỷ đồng, trong đó có 2 điểm sạt lở đang được ngành chức năng phê duyệt hồ sơ, triển khai đầu tư xử lý còn lại 37 điểm sạt lở quy mô lớn chưa được hỗ trợ kinh phí khắc phục.
Trước mắt, nhằm bảo vệ sản xuất, đời sống và an toàn tính mạng người dân, UBND huyện Cái Bè đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, hướng dẫn địa phương gia cố tạm thời, bảo đảm an toàn cho người dân quanh khu vực sạt lở, một mặt đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí để khắc phục. Còn tại huyện Cai Lậy hiện triển khai xử lý khắc phục 52 điểm sạt lở từ năm 2021 có tổng chiều dài 2.378 m và kinh phí đầu tư hơn 42,3 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngành đang phối hợp cùng các ngành hữu quan và các địa phương trong vùng xảy ra sạt lở khảo sát thực tế, tìm giải pháp khắc phục một cách hữu hiệu, bảo vệ sản xuất và đời sống, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 673 tỷ đồng triển khai 4 dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh là: Dự án khắc phục xói lở bờ biển Gò Công dài 6.000 m, kinh phí 200 tỷ đồng; Dự án xử lý sạt lở kênh 28 (huyện Cái Bè) chiều dài 1.750 m, kinh phí 130 tỷ đồng; Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) dài 2.500 m, kinh phí 273 tỷ đồng và dự án xử lý sạt lở cù lao Tân Long (thành phố Mỹ Tho), chiều dài 900 m, kinh phí 70 tỷ đồng.