Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Phòng chống sớm hạn, mặn sẽ góp phần hạn chế thiệt hại
Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều biện pháp như cụ thể hóa các dự báo tình hình hạn, mặn xuống tận các phường, xã có nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn. Đồng thời cấp bách thực hiện các công trình thủy lợi, công trình cấp nước đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân những vùng được dự báo nguy cơ hạn mặn nặng nề; đẩy nhanh tiến độ các công trình ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, trước mắt tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay các diện tích lúa bị thiệt hại trong thời gian qua, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với diện tích lúa bị thiệt hại 30 - 70%.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tình trạng hạn, mặn đã và đang tác động trực tiếp đến 18 triệu dân ở vùng ĐBSCL
Vùng ĐBSCL là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cả nước. Vì vậy, các địa phương và bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương thực hiện phương án trước mắt, có tính đến hiệu quả lâu dài.
Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương- TTXVN |
Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản xuất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các tỉnh bị nước mặn xâm nhập sâu. Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Cấp nước cho dân và phòng chống xâm mặn
Các địa phương, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương phòng chống xâm nhập mặn, khô hạn để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái. Đặc biệt không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Tỉnh sẽ thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Các địa phương kiện toàn lại ban chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, đo độ mặn và có lịch đóng mở hệ thống cống đập khi độ mặn ở các sông vượt qua 2‰; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động gia cố bờ bao, ao hồ trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu, bơm vào ruộng lúa. Tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt với chính quyền các địa phương, hộ dân xây dựng lại lịch thời vụ, lựa chọn cây trồng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai bất lợi gây ra, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày một phức tạp.
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL mùa khô 2015 - 2016 dự kiến ở mức thấp
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng hết sức nghiêm trọng. Trong các tháng mùa khô năm 2016, tổng lượng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu và cao hơn cùng kỳ của mùa khô 2015 và trung bình nhiều năm trước. Từ cuối tháng 2/2016, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn trên 4 g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Giám sát chặt chẽ tình hình xâm mặn
Nước mặn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất, làm ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa - tôm. Về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo. Do đó, bên cạnh việc chú ý xuống giống theo lịch vụ đã được khuyến cáo, các địa phương cần vận động nông dân chuẩn bị máy bơm tưới để đề phòng khi xảy ra hạn hán, vận hành cống ngăn mặn trữ ngọt kịp thời. Theo dõi giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về.
Ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam: Tận dụng tích trữ nước ngọt tối đa
Các địa phương cần tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Một số khu vực có nguồn nước ngọt khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. Lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn nước ngọt và ven biển, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa.
Ông Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Tiếp tục nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao hơn
Từ năm 2005 Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện các chương trình lai tạo các giống lúa chống chịu mặn, khô hạn, ngập… cùng với việc nghiên cứu tìm ra những biện pháp canh tác mới thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra. Các giống lúa OM của viện, trong đó có các giống lúa chống chịu được các điều kiện mặn, ngập, hạn đã được phóng thích đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Tuy nhiên, các giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường như mặn, hạn, ngập… vẫn ở mức trung bình. Viện đang trong quá trình nghiên cứu để phóng thích các giống lúa chống chịu ở cấp độ cao hơn, ví dụ như các giống lúa chống chịu mặn trên 4‰, giống lúa chống chịu ngập trong thời gian dài hơn (trên 14 ngày), đồng thời mang các đặc tính tốt như năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường để chuyển giao, đưa vào sản xuất ở các địa phương có nhu cầu.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ: Bảo vệ tài nguyên nước là rất cần thiết
Việc bảo vệ tài nguyên nước là rất cần thiết, phải cụ thể hóa bằng điều luật và cam kết tài chính. Vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất canh tác, xâm nhập mặn... khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người đã phải bỏ ruộng ra thành phố tìm việc khiến nhiều tỉnh thiếu hụt lao động nông nghiệp nghiêm trọng. Nếu Nhà nước không nhanh chóng triển khai giải pháp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn... sẽ rất khó phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm giải pháp hiện nay và tương lai cho vấn đề bảo tồn, bảo vệ tài nguyên nước ở ĐBSCL ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học và nhà quản lý liên quan đến tìm một chiến lược trước mắt và lâu dài cho vùng đồng bằng.