An dân nơi đầu sóng ngọn gió

Việc chi trả chênh lệch khoán và mức lãi một cách minh bạch cho người dân Nông trường 30/4, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đem đến sự phấn khởi, an lòng trong người dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Là doanh nghiệp kinh tế Nhà nước, Nông trường 30/4 được thành lập từ năm 1976, trên vùng đất bãi bồi cù lao, tiếp giáp với biển, thuộc địa bàn huyện Long Phú (nay là huyện Cù Lao Dung), tỉnh Sóc Trăng. Trước khi được thành lập, đây là một vùng đất mênh mông nước, luôn đối diện với những nguy cơ đe dọa của thiên tai, triều cường, sóng dữ, một số hộ dân đến đây khai phá để sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thủy triều và thời tiết. Năm 1976, UBND tỉnh Hậu Giang (lớn) đã thành lập Ban Kiến thiết Kinh tế mới tại khu vực này nhưng do thiếu vốn đầu tư nên thời kỳ đầu cán bộ được phân công quản lý đã cho dân đến định cư bỏ vốn và khai hoang sản xuất.

Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
 
Câu chuyện khai phá rừng hoang nơi đây dù đã được nghe nhiều và tận mắt chứng kiến nhưng trong mỗi câu chuyện ấy luôn có sự xuất hiện của máu, nước mắt của những người đi trước, của sức người chống chọi với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Con đê ngăn mặn, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư bằng chính nguồn vốn, công sức của Nông trường 30/4 trong những ngày đầu khai phá.
 
Đó như là những chứng nhân lịch sử cho những gì mà nông trường đã làm được trên vùng đất mới để đem lại sự phì nhiêu, màu mỡ cho đất, đem lại màu xanh cho cuộc sống của những hộ nghèo di dân và người bản xứ. Giá trị của con đê, của hệ thống thuỷ lợi không thể chỉ tính bằng chi phí đầu tư, mà được tính bằng hàng ngàn ha đất hoang hoá, bãi bồi được đưa vào sản xuất, giúp cho hàng ngàn hộ dân di cư nghèo khó có cuộc sống ổn định, trong đó có không ít hộ trở nên giàu có. 

Cuộc sống tươi đẹp hơn sẽ đến với người dân vốn bao năm vất vả vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng sóng động.



30 năm trước, vùng đất An Thạnh Nam mới chỉ có khoảng 300 ha được khai phá chủ yếu là làm lúa mùa một vụ. Đến năm 1986, một số cây màu như: Dưa hấu, bí đỏ và cây mía mới xuất hiện. Lúc đó sản xuất rất khó khăn vì bị xâm nhập mặn. Năm 1987, thời khắc đi vào lịch sử của vùng đất An Thạnh Nam khi đội xáng cạp hơn 10 chiếc được Nông trường 30/4 huy động về đây thi công con đê dài hơn 70 km.
 
Việc đầu tư mãi đến những năm đầu thập kỷ 90 mới hoàn thành. Những con sóng biển sau khi vượt qua cánh rừng phòng hộ đã phải dừng lại trước con đê chắc chắn này. Con đê đã nhanh chóng phát huy hiệu quả khi đưa diện tích đất sản xuất từ chỗ hơn 300 ha lên gần 2 ngàn ha, từ chỗ chỉ sản xuất lúa mùa một vụ, lên 1 vụ lúa+2 vụ màu, hình thành nên những vùng màu chuyên canh và lớn nhất là vùng chuyên canh mía.
 
Khi đất được hồi sinh, cũng là lúc nông trường dang tay đón nhận hàng ngàn hộ di dân nghèo khó từ các nơi tụ hội về đây sinh cơ lập nghiệp. Công việc trước mắt của nông trường lúc bấy giờ là cấp đất cho dân sản xuất để ổn định cuộc sống vì hầu hết họ là dân nghèo, không vốn liếng, không phương tiện sản xuất. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có cái ăn no, mà còn phải mặc đẹp, phải được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng thụ văn hóa...
 
Vậy là nông trường lại phải dựng trường học, xây trạm y tế, làm đường giao thông, xây chợ... để phục vụ cuộc sống nông trường viên ngày một tốt hơn. Vào thời điểm ấy, trên suốt dải đất Cù Lao Dung này chỉ có nơi đây là có hệ thống đường giao thông tốt nhất, trường học khang trang nhất và mọi trẻ đến tuổi đến trường đều được đi học. Nhiều hộ dân từ Trà Vinh khi qua đây chỉ có hai bàn tay trắng, nhờ nông trường nhận vô khoán cho đất sản xuất mới được như bây giờ. Thời đó tuy còn khó khăn nhưng nông trường rất quan tâm đến cuộc sống của người dân.

Quang cảnh thành phố Sóc Trăng ngày nay.
 
Trên thực tế quản lý thời điểm đó, do cơ chế, chính sách trong thời kỳ kinh tế tập trung, bao cấp, Nông trường 30/4 đã có những mô hình, hình thức hoạt động có hiệu quả nhất định. Từ năm 1995 trở về trước, mô hình sản xuất giao khoán sản phẩm theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nông trường và nông trường viên đã được đại đa số bà con đồng tình ủng hộ.
 
Đến khi chuyển đổi sang mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh mới thì có nhiều vấn đề cần được chuyển đổi cho phù hợp, lãnh đạo Nông trường 30/4 chậm đổi mới, cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh vẫn còn theo hình thức mệnh lệnh hành chính, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc, trong đó người dân chủ yếu khiếu nại thắc mắc về mức khoán, chênh lệch giá lúa và cấp quyền sử dụng đất...

Sau ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992), nông trường tiếp tục đồng hành và cùng phát triển cho đến giai đoạn cơ cấu lại sản xuất và đảm bảo cơ chế chính sách cho nông dân phát sinh nhiều khiếu nại, thắc mắc... Vụ việc kéo dài hơn 20 năm qua.
 
Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh và Trung ương đã quan tâm giải quyết nội dung khiếu nại của các hộ dân Nông trường 30/4 nhưng một số hộ vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết, nhiều lần tập trung đến cơ quan cấp tỉnh và Trung ương để tiếp tục khiếu nại. Vấn đề này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình an ninh trật tự chung, vừa không tập trung tăng gia sản xuất vừa tốn kém công sức, lãng phí thời gian.
 
Để giải quyết dứt điểm, an lòng dân, trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh Sóc Trăng, qua thẩm định của Bộ Tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể giải quyết vấn đề này. Theo đó tại Công văn số 7716, ngày 15/9/2016 Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thống nhất thực hiện như tờ trình đã được Bộ Tài chính thẩm định trình Chính phủ. Tổng số lãi phải trả đối với khoán chênh lệch giá lúa Khao Dawk Mali và chênh lệch khoán của các hộ dân Nông trường 30/4 hơn 5 tỷ đồng cho 999 hộ, tổng lãi chi trả xây dựng nông thôn là hơn 127 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hộ còn nợ khoán với nông trường phải nộp lại hơn 360 triệu đồng.
 
Trên tinh thần công khai minh bạch, vừa qua, đoàn công tác của tỉnh do ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã Công bố quyết định và công khai việc tính lãi chi trả cho các hộ dân ở Nông trường 30/4 (cũ), và được người dân rất đồng tình. Bày tỏ tại buổi công bố kết quả tính lãi chi trả cho các hộ dân ở nông trường 30/4 (cũ), ông Trần Văn Thòn, một trong những nông trường viên 30/4 trước đây vui mừng: Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương này. Khi được chi trả, bà con rất phấn khởi và cảm ơn Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm và giải quyết dứt điểm sau nhiều năm kéo dài làm lòng dân không yên...
 
Theo ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, công tác chi trả chênh lệch khoán và mức lãi cho người dân Nông trường 30/4 sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, được niêm yết danh sách tại trụ sở các cơ quan chuyên môn như Ban tiếp dân, Thanh tra tỉnh, các cơ quan cấp huyện và nhất là được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Dự kiến việc niêm yết danh sách sẽ được tiến hành trong 15 ngày và việc chi trả bắt đầu ngay trong những ngày tới. Lãnh đạo tỉnh cũng hy vọng, dù thời gian giải quyết kéo dài, song với chủ trương chung của Chính phủ, cũng như những định mức cụ thể, chặt chẽ, việc chi trả công khai, minh bạch, thấu lý đạt tình, người dân sẽ ổn định sản xuất, từng bước nâng cao đời sống và chung tay góp sức xây dựng quê hương.
Trung Hiếu
Hỗ trợ gần 1.700 tấn gạo cho nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình, Sóc Trăng
Hỗ trợ gần 1.700 tấn gạo cho nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình, Sóc Trăng

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) gần 1.700 tấn gạo cho 2 tỉnh: Quảng Bình, Sóc Trăng để hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN