Buổi họp nhằm rà soát nguyên nhân để đưa ra biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả, kịp thời, tránh nguy cơ bùng phát không thể kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, đến đầu giờ chiều 2/11, toàn tỉnh đã có 163 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, 101 xã, phường, thị trấn đều ở cấp độ dịch từ vàng đến đỏ, tương đương từ cấp 2-4.
“Tình hình dịch diễn biến khó lường, tốc độ lây lan nhanh. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở các huyện như: U Minh, Trần Văn Thời, đặc biệt là Đầm Dơi. Tại các xã của huyện Đầm Dơi, số ca dương tính với SARS-CoV-2 rất cao, nguy cơ nhất là ở các xã Tân Duyệt, Tạ An Khương Đông, Tân Đức… Do đó, Sở Y tế kiến nghị cần khẩn trương tổ chức lực lượng xét nghiệm nhanh tại những vùng trong khu vực vừa phong tỏa bằng PCR, vùng ngoài tiến hành test nhanh. Đồng thời, thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế là khoanh vùng hẹp nhưng xét nghiệm rộng. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả người dân tự làm xét nghiệm nhanh cho chính gia đình của mình”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dũng nêu giải pháp, đồng thời xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh được đánh giá cấp độ dịch theo ngày chứ không theo tuần như trước đây.
Tại buổi họp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 huyện Đầm Dơi cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có trên 300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng người về địa phương lớn đã gây áp lực lớn đến công tác quản lý. Tuy nhiên, 3 ngày gần đây đã xuất hiện nhiều ca ngoài cộng đồng tại: Tân Duyệt, Tạ An Khương Đông… Tại những điểm này, địa phương đã tiến hành phong tỏa, xét nghiệm diện rộng, do đó, số ca mới phát sinh chủ yếu từ trong các khu phong tỏa. Tuy nhiên, qua truy vết vẫn có nhiều F1 nằm ngoài khu vực phong tỏa.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi nhận định, nhiều trường hợp người về từ vùng xanh, vùng vàng dù đã qua thời điểm cách ly, theo dõi sức khỏe thì bất ngờ cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. “Hiện nay, người về từ vùng đỏ, cam… khi tiêm đủ 2 mũi vaccine thì chỉ theo dõi sức khỏe 7 ngày. Trong số đó có không ít trường hợp sau 13-14 ngày mới phát bệnh. Lúc đó, họ đã tiếp xúc ngoài cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao”, ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi phân tích.
Một “điểm nóng” khác là huyện Trần Văn Thời, trong 10 ngày qua đã phát hiện 69 ca dương tính với SARS-CoV-2. Huyện đã tiến hành phong tỏa 16 khu vực, với 449 hộ, hơn 1.600 khẩu. Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công cho biết, các khu vực có chùm ca bệnh đều xuất phát từ việc tổ chức đám tiệc.
“Thời gian qua đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tại các cơ sở. Huyện đã nhanh chóng chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Trước tình hình có nhiều ca mắc COVID-19 dưới 18 tuổi, huyện đề xuất cần nhanh chóng tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em; trước hết là đối tượng học sinh”, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công, nêu đề xuất.
Tại cuộc họp, đại diện các xã có ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn huyện: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, đề nghị kéo dài thời gian cách ly tại nhà, thời gian theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp về từ vùng dịch để đảm bảo không lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tăng cường xét nghiệm trong cộng đồng để sàng lọc F0.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, tình hình dịch COVID-19 tại địa phương đang diễn biến phức tạp khi ổ dịch mới xuất hiện trong cộng đồng rất nhiều. Nhiều ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh, số người nhiễm cao khiến công tác khoanh vùng, truy vết rất vất vả.
Qua theo dõi, nguyên nhân chính xuất phát từ việc số người trở về địa phương lớn. Mỗi ngày có trung bình khoảng 70 - 200 người trở về địa phương, lũy kế đến nay đã khoảng 35.000 người. Trong khi đó, các quy định mới của Trung ương so với trước đây đều được nới ra để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tần suất, tỷ lệ xét nghiệm lại rất mỏng.
Thực tế, nhiều ổ dịch ở thành phố Cà Mau chủ yếu xuất phát từ những khu dân cư trong hẻm, chợ… nơi có mật độ dân cư đông, đường xá hẹp, nơi sinh sống của nhiều công nhân, người lao động. Do đó, việc lây lan dịch bệnh vào các nhà máy, xưởng sản xuất là không thể tránh khỏi. Một mối lo khác là dịch lây lan vào các trường học.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, những nơi nào có nguy cơ dịch bệnh lây lan cao, đặc biệt là những vùng đã có F0 thì phải thực hiện ngay điều tra, truy vết để cách ly phong tỏa nhanh nhất có thể. Đồng thời, tổ chức lực lượng cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, hình thành vùng đệm phong tỏa; tuyệt đối người dân không được ra vào, trừ đối tượng đi làm nhiệm vụ; thực hiện thật nghiêm việc quản lý, xét nghiệm ngay PCR đối với người dân khu vực phong tỏa, test nhanh đối với người dân vùng đệm.
“Điều quan trọng hiện nay không phải là điều tra truy vết tìm nguồn lây mà trọng yếu là tìm ra hết các F0, F1. Việc này cần làm nhanh, đầy đủ, không để sót. Bên cạnh đó, thời gian cách ly vẫn giữ theo quy định, nhưng điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại gia đình. Đặc biệt, khi đã theo dõi sức khỏe tại gia đình thì không để những người này tiếp xúc với người xung quanh. Đối với việc quản lý người về địa phương, các lực lượng quản lý trạm, chốt cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đúng quy định. Người về từ vùng dịch cấp độ cao thì phải xét nghiệm, cách ly và theo dõi sức khỏe. Thực tế, có những người về từ vùng cam, đỏ nhưng lại khai về vùng xanh, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Trước tình dịch bệnh hiện nay cùng tỷ lệ tiêm vaccine trong người dân còn thấp thì các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở phải theo dõi sát sao, điều chỉnh cấp độ dịch tăng lên 1 cấp”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Với chủ trương này, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tất cả người dân đồng tình, ủng hộ, cùng với lãnh đạo tỉnh quyết liệt, áp dụng các quy tắc cao hơn trong một thời gian để cắt nguồn lây.
Ngoài ra, nhằm tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đánh mất thị trường, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các chủ doanh nghiệp cần tăng tần suất test nhanh, tỷ lệ người lao động được test nhiều hơn. Sau khi sàng lọc thì nên áp dụng hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” như trước đây.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm mở rộng, sàng lọc thường xuyên, đồng thời tuyên truyền đến người dân về sự cần thiết tự trang bị kit xét nghiệm cho gia đình mình...