Trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap qua thư điện tử, Trung tá Meiners lưu ý phạm vi và thời gian của các cuộc tập trận trong tương lai sẽ được xác định thông qua tham vấn chặt chẽ giữa hai đồng minh. Ông nêu rõ khả năng sẵn sàng của quân đội là "ưu tiên hàng đầu" của Bộ trưởng Quốc phòng. Các hoạt động phối hợp huấn luyện quân sự giữa hai nước là phương thức chính đảm bảo sự sẵn sàng của liên minh quân sự Mỹ- Hàn.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh hoạt động tập trận giữa hai nước "không mang tính khiêu khích mà mang tính phòng thủ và nhằm duy trì khả năng sẵn sàng của liên minh". Bất kỳ quyết định nào về phạm vi, quy mô và thời gian tập trận đều sẽ được đưa ra dựa trên những yếu tố này.
Trước đó cùng ngày, khi đề cập tới kết quả cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng trong tương lai gần, khó có khả năng diễn ra một cuộc tập trận trên thực địa giữa các lực lượng phối hợp của Hàn Quốc và Mỹ do đại dịch COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hai nước dự kiến tập trận chung thường niên bắt đầu vào tháng 8 tới.
Lần gần nhất Seoul và Washington tổ chức tập trận chung vào tháng 3 năm nay theo hình thức mô phỏng trên máy tính. Năm ngoái, hai bên quyết định hủy cuộc tập trận mùa Xuân do dịch COVID-19, đồng thời điều chỉnh phương thức cuộc tập trận chung mùa Hè từ diễn tập trên thực địa sang mô phỏng trên máy tính.
* Ngày 27/5, Bộ Khoa học Hàn Quốc thông báo nước này vừa ký thỏa thuận quốc tế một lần nữa đưa con người lên Mặt Trăng và thám hiểm vệ tinh duy nhất của Trái Đất.
Thông báo nêu rõ Bộ trưởng Khoa học Hàn Quốc Lim Hye-sook đã ký Hiệp định Artemis như một bước kế tiếp trong thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh song phương gần đây ở Washington. Sự kiện này đánh dấu việc Hàn Quốc trở thành nước thứ 10 ký kết hiệp định trên.
Hiệp định Artemis được đặt tên theo chương trình Mặt Trăng Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA). Hiệp định này tìm cách cải tiến luật vũ trụ quốc tế hiện nay bằng cách thiết lập “những vùng an toàn” xung quanh các cơ sở trên Mặt Trăng nhằm ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia đang hoạt động tại đó, và bằng cách cho phép các công ty tư nhân sở hữu những nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng mà họ khai thác được. Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Italy, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã ký kết các thỏa thuận tham gia Hiệp định Artemis sau nhiều tháng đàm phán trong khuôn khổ nỗ lực từ phía Washington theo kế hoạch đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.