Sự kiện diễn ra trong bối cảnh môi trường địa chính trị căng thẳng, trong đó có tình hình an ninh đang xấu đi ở Biển Đỏ.
Tham gia cuộc tập trận “Milan” lần thứ 12 này có các lực lượng hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Bangladesh, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia…
Cuộc tập trận bắt đầu với sự xuất hiện của 15 tàu chiến và một máy bay tuần tra biển. Tham gia cuộc tập trận lần này, lực lượng nước chủ nhà đã triển khai gần 20 tàu, bao gồm các tàu sân bay Vikrant và Vikramaditya cùng gần 50 máy bay gồm MiG 29K, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas và máy bay trinh sát biển tầm xa P-8I và máy bay tác chiến chống tàu ngầm.
Cuộc tập trận được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn cập cảng từ ngày 19-23/2 và giai đoạn trên biển với nhiều khoa mục diễn tập phức tạp từ ngày 24-27/2.
Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ Vivek Madhwal cho biết: “Milan 2024 nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực và an ninh hàng hải, thúc đẩy khả năng tương tác và hiểu biết giữa các lực lượng hải quân tham gia, đồng thời cung cấp nền tảng để các bên chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt nhất”.
Theo ông Madhwal, tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của cuộc tập trận Milan, đồng thời cho biết thêm hoạt động này đã trở thành một nền tảng hấp dẫn để các quốc gia xây dựng quan hệ đối tác, trao đổi ý tưởng và tăng cường an ninh hàng hải.
Milan là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia diễn ra 2 năm/lần bắt đầu từ năm 1995 với sự tham gia ban đầu của Indonesia, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan, phù hợp với chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.