VN-Index giữ vững ngưỡng hỗ trợ 1.465 điểm, nhà đầu tư tự tin 'xuống tiền'

Thị trường chứng khoán sáng 17/11 giằng co do tâm lý giảm hơn 10 điểm trong phiên chiều trước đó. Tuy nhiên, với lực hỗ trợ 1.465 điểm, nhà đầu tư tự tin "xuống tiền" giúp chỉ số VN-Index cuối phiên sáng quay đầu tăng, đạt hơn 1.473 điểm.

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán sáng 17/11.

Chốt phiên, VN-Index tăng hơn 6,8 điểm, đưa chỉ số lên hơn 1.473 điểm; HNX-Index tăng 6,54 điểm lên 458,79 điểm; VN30 tăng 0,54 điểm lên 1.517,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 654,20 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 18.684,89 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu chứng khoán tăng giá, giúp thị trường tăng hơn 6,5 điểm phải kể đến là nhóm bất động sản và xây dựng, còn lại một số ít cổ phiếu ngân hàng như: GVR, PLX, BTD, VHM, GAS, VCB, VND, HVN, VIC, HPG. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu góp phần cho thị trường giảm gần 2 điểm chủ yếu là ngân hàng như: TPB, SAB, ACB, TCB, CTG, EIB, MBB, HDB, VPB, MSN.

Thực tế, nhà đầu tư trong giai đoạn này chia làm 2 trường phái khá rõ ràng, một nhóm cho rằng cổ phiếu đã quá đắt, một nhóm cho rằng chứng khoán liên tục xoay vần ở các nhóm cổ phiếu và cơ hội trên thị trường vẫn còn rất nhiều.

Tâm điểm của thị trường hôm nay vẫn là cổ phiếu ngành đường sắt. Mặc dù ngành này có cơ hội trở mình hay không nhưng nhiều nhà đầu tư ôm cổ phiếu HRT, SRT đã nhân đôi tài khoản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơn sóng tăng trần của cổ phiếu penny, vốn hóa nhỏ trong thời gian gần đây được xem là bất thường. Bởi nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng kịch trần. Thậm chí, có những lãnh đạo doanh nghiệp đã lên tiếng về “sự bất thường” của việc doanh nghiệp khó khăn mà cổ phiếu vẫn tăng kịch trần.

Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu vẫn rất mạnh, chỉ chờ điểm đẹp là nhà đầu tư xuống tiền, giúp thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Về kỹ thuật, trong 2 phiên rung lắc đầu tuần, đặc biệt là phiên ngày 16/11, vùng 1.465 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh và đây chính là điểm tựa để nhà đầu tư tự tin thị trường sẽ đứng vững trước áp lực chốt lời nên mạnh dạn giải ngân.

Dù vậy, CTCK MB (MBS) cho rằng, thị trường điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đây là phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp của 2 nhóm này. Do vậy, các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra. Nhà đầu tư nên canh chốt lời nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi có thể mua gom đối với các cổ phiếu bluechips chưa tăng hoặc đã tạo vùng hỗ trợ.

Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trên thị trường, nhà đầu tư tiếp tục có xu hướng chuyển hướng đầu tư ra các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi mà VN-Index vẫn gặp khó khăn khi tiến gần hơn đến ngưỡng 1.480 điểm. Ở chiều ngược lại, lực mua ròng của khối ngoại là một tín hiệu đáng chú ý, dù chỉ xuất hiên ở một vài cổ phiếu đơn lẻ.

Bối cảnh thị trường thúc đẩy sự phân hóa giữa các cổ phiếu, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng rất mạnh mà không đi cùng sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Vì thế, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chỉ có thể hướng nhiều hơn đến việc "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn trong giai đoạn này, đồng thời giữ lại một phần sức mua để hạn chế rủi ro cũng như có thể sẵn sàng bắt đáy trong những nhịp rung lắc trong phiên hoặc thậm chí nếu xuất hiện những phiên giảm sâu.

Các nhóm ngành đáng chú ý trong những phiên gần đây là bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Đằng sau việc Trung Quốc thành lập sàn chứng khoán mới
Đằng sau việc Trung Quốc thành lập sàn chứng khoán mới

Ngày 15/11, sàn chứng khoán Bắc Kinh của Trung Quốc đã chính thức đi vào giao dịch. Đây là lần đầu tiên một sàn chứng khoán được thiết lập tại Bắc Kinh, điều này được cho tạo thêm ảnh hưởng cho trung tâm chính trị của Trung Quốc về lĩnh vực tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN