Vĩnh Long: Trên 917.000 lượt hộ dân được vay vốn chính sách

Chiều 24/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chú thích ảnh
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam vinh danh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Qua 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh đang triển khai 17 chương trình với tổng dư nợ 2.661 tỷ đồng, có 90.202 hộ vay.

Trong thời gian này, ngân hàng đã giải ngân cho trên 917.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, qua đó góp phần giúp gần 79.800 lượt hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho gần 90.000 lượt lao động, giúp trên 73.000 lượt học sinh sinh viên vay vốn học tập, gần 261.000 lượt hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ hơn 18.000 lượt dự án/hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh...

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã phát huy hiệu quả, huy động sức mạnh tổng hợp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng các hệ thống các tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương. Với phương châm “Phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” đã từng bước đưa tín dụng chính sách đến gần với người dân, góp phần tiết kiệm tối đa chi phí, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Để hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cần phân tích, đánh giá cụ thể tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương để xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động phù hợp; xác định nhu cầu vốn vay ở từng chương trình, lĩnh vực, từ đó dành nguồn lực để thực hiện hiệu quả.

Ông Dương Quyết Thắng đề nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương, ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án tín dụng chính sách, nhất là các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy vai trò tín dụng chính sách trong việc cùng thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong quá trình 20 năm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong giai đoạn mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long lưu ý, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án cho vay đến cấp cơ sở và tận hộ dân để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận. Song song đó, ngân hàng cần tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của tín dụng chính sách và những mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, khơi dậy tinh thần phấn đấu lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên của người vay vốn.

Cùng với đó, ngân hàng cần tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện các giải pháp kéo giảm tỷ lệ nợ xấu; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam có cơ chế hỗ trợ thu hồi nợ đối với các trường hợp bỏ địa phương đi làm ăn xa; đồng thời, đề xuất Trung ương bổ sung nguồn vốn vay, chủ động phối hợp các ngành liên quan của tỉnh tìm ngồn vốn bố trí chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở ban, ngành và đoàn thể tỉnh, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống ngân hàng hoàn các nhiệm vụ, phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với công tác hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn để hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Đối với các Hội đoàn thể nhận ủy thác phải thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động này và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ Tiết kiệm và Vay vốn, quan tâm nắm chắc tình hình sử dụng vốn, có các hình thức hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, phù hợp để các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức trả nợ đúng hạn của hội viên tham gia vay vốn.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, tỉnh Vĩnh Long đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện các mục tiêu về tín dụng chính sách.

Ngoài các chương trình tín dụng truyền thống, tỉnh đề nghị ngân hàng cần huy động vốn và bố trí thêm vốn để hỗ trợ tỉnh thực hiện các chương trình cho vay nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để người lao động có thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn này. Tỉnh Vĩnh Long sẽ quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện hiệu quả, đồng thời bố trí vốn trong khả năng cân đối của địa phương để đối ứng với trung ương thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc tiểu số. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, làm quen hệ tín dụng “có vay, có trả”, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Trên 77.000 người dân ở Bình Dương được tiếp cận nguồn vốn chính sách
Trên 77.000 người dân ở Bình Dương được tiếp cận nguồn vốn chính sách

Ngày 24/8, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, từ cấp tỉnh đến cấp huyện có 183 thành viên giúp trên 77.000 người được tiếp cận nguồn vốn chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN