Tổng kế hoạch nguồn vốn tín dụng được giao của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương là 4.557 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 1.091 tỷ đồng, với 15.821 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ là 597 tỷ đồng, chiếm 55% doanh số cho vay.
Đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.450 tỷ đồng, với gần 77.700 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 12,5% so với đầu năm. Tổng nợ xấu chiếm 0,13% tổng dư nợ; trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.883 tỷ đồng, với 77.541 thành viên vay vốn của 1.631 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương tỉnh đã tích cực triển khai các chính sách của Trung ương hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, thực hiện chính sách cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã giải ngân cho 223 lượt người sử dụng lao động với số tiền 541 tỷ đồng để trả lương cho 124.103 lượt người lao động (xếp thứ 3 toàn quốc).
Bên cạnh đó, nguồn vốn Trung ương giao thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 168.000 triệu đồng, đến nay tỉnh đã giải ngân được 108.928 triệu đồng, đạt 65% kế hoạch.
Theo ông Võ Văn Đức, Phó Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương, phương hướng, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho gia hạn nguồn vốn đến hạn 6 tháng cuối năm 2022 để duy trì nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương sẽ tập trung triển khai các chương trình cho vay: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt ưu tiên, đảm bảo đủ vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo theo kết quả điều tra giai đoạn 2022 - 2025 của địa phương.