Lục Nam vươn lên từ nguồn vốn chính sách

Các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất bán sơn địa này.

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch xã của NHCSXH huyện Lục Nam giúp người dân tiết kiệm chi phí, thời gian nhận vốn ưu đãi.

Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình sử dụng vốn tín dụng ưu đã đầu tư phát triển sản xuất và giảm nghèo hiệu quả, ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn (Lục Nam) cho biết: Thời gian qua, nhờ các chương trình, dự án như 135, phủ xanh đất trống đồi trọc, đặc biệt với 33,2 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, đã tạo “đòn bẩy” giúp người dân thâm canh vườn đồi, vườn rừng, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện có 3,28%, giảm 17,3% so với đầu năm 2015. Nhiều hộ dân đã sử dụng đồng vốn ưu đãi, mạnh dạn đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăm sóc.

Điển hình như anh Vi Văn Tuấn, dân tộc Dao, tại thôn Đồng Cống từng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, anh được NHCSXH huyện Lục Nam cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dứa trên đồi theo quy trình Viet GAP, giờ đây đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống nâng lên rõ rệt.

“ Mặc dù vụ thu hoạch vừa qua đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, song việc tiêu thụ vẫn thuận lợi, bình quân mỗi gia đình trồng dứa ở Đồng Cống thu về từ 150 đến 200 triệu đồng. Nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời, thiết thực mà sản phẩn dứa quê tôi được công nhận chất lượng hạng 3 sao và trở thành ‘cây thoát nghèo’ nhanh, bền vững”, anh Tuấn vui mừng nói.

Cũng như gia đình anh Tuấn, nhờ nguồn vốn ưu đãi toàn địa bàn Lục Nam đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam, ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, cho biết: Phòng giao dịch đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Tính đến ngày 31/5/2022, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn đã đạt 721 tỷ đồng, tăng 31,3 tỉ đồng so với cuối năm 2021, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác, chuyển sang NHCSXH hơn 18,7 tỉ đồng. Kết quả đó khẳng định việc cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách trong việc tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, đồng thời cân đối, bố trí chuyển ngân sách địa phương qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn chính sách góp phần hình thành nên các mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả cao.

Các cán bộ tín dụng chính sách đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể cơ sở chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi về 27 Điểm giao dịch xã và phân bổ công khai tới 441 Tổ tiết kiệm và vay vốn để cho vay trực tiếp từng hộ đối tượng chính sách. Sau khi giải ngân, NHCSXH Lục Nam còn tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp nhận hồ sơ để thực hiện cho vay theo kế hoạch của cấp trên giao. Mọi hoạt động thu nợ, thu lãi cũng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện nợ quá hạn tín dụng ưu đãi ở Lục Nam chỉ chiếm tỷ lệ 0.05%, so với tổng dư nợ, có 15/25 xã không có nợ quá hạn.

Chính nhờ phương thức chuyển tải vốn và mạng lưới tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH hoạt động hiệu quả cao nên đã tạo điều kiện để Phòng giao dịch Lục Nam thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của nhà nước về cho vay hỗ trợ sau dịch COVID-19 như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng đại dịch… với 112 khách hàng và số tiền hơn 6 tỷ đồng. Những nguồn vốn kịp thời đến trong lúc khó khăn hoạn nạn còn chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc, mang tính cộng đồng cao của cả hệ thống NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an ninh xã hội bền vững.

Lương Xuân – Đông Dư
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững

Tháng tư này, về Bình Dương, sức sống mới như bừng lên sau thời gian chống dịch COVID-19 từ những thành phố trẻ Dĩ An, Thuận An cho đến vùng chiến khu xưa Bầu Bàng, Tân Uyên, Dầu Tiếng… Miền đất đỏ rộng 2.700 km2 này còn là 1 trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (gấp 1,7 lần).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN