TTCK ngày 17/2: HPG bị bán ròng liên tiếp, ‘siêu cổ phiếu VNZ’ giảm sàn

Ngày 17/2, TTCK tiếp tục chuỗi giao dịch lình xình và đi ngang, trong đó VN-Index giao dịch cầm chừng trong biên độ hẹp. Tính đến 14h chiều cùng ngày, có khoảng hơn 6.000 tỷ đồng giao dịch tại VN-Index và hơn 770 tỷ đồng giao dịch tại HNX-Index.

Chú thích ảnh
TTCK ngày 17/2 tiếp tục giao dịch lình xình và đi ngang. Ảnh chụp màn hình

Tâm điểm chú ý của phiên giao dịch ngày 17/2 là HPG đang bị nhà đầu tư bán ròng 780.000 cổ phiếu. Nếu điều này kéo dài đến hết phiên giao dịch đây sẽ là phiên bán ròng thứ hai, điều ít khi xảy ra trong một đợt mua ròng cực mạnh kéo dài từ tháng 11 đến nay với gần 5% cổ phiếu HPG được trao tay qua khối ngoại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bán ròng 61 tỷ trên HOSE, sau hai phiên bán ròng liên tiếp trước đó. Điều này sẽ rất xấu nếu nguồn vốn ngoại đổi chiều trong tình huống này trong khi tiền đang vào TTCK rất thấp. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có nguồn vốn ngoại tíếp tục vào, thị trường sẽ mất đi điểm tựa cả về tâm lý lẫn thực tế. Còn nếu dòng vốn này rút ra, rất khó cho thị trường.

Ngoài 2 tâm điểm trên, “siêu cổ phiếu” VNZ cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong vài ngày nay khi liên tục tăng trần. Tuy nhiên, bước sáng ngày 17/2, ngay sau ATO, cổ phiếu VNZ đã xuất hiện áp lực chốt lời và mau chóng giảm kịch sàn về mức 1.219.500 đồng/cổ phiếu. Có 700 cổ phiếu được sang tay trong hơn 1 tiếng buổi sáng. Bên bán chiếm ưu thế với dư bán sàn 7.200 cổ phiếu, trong khi "trắng bên mua".

Điều đáng chú ý là, thanh khoản giao dịch của VNZ có sự cải thiện rõ rệt. Thay vì chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu mỗi phiên, khối lượng giao dịch đã đạt mức trên dưới 6.000 cổ phiếu trong 4 phiên giao dịch gần nhất.

Trên thực tế, trong phiên ngày 16/2, VNZ đã chính thức đứt chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp khi ghi nhận phiên giảm giá đầu tiên. Kết phiên 16/2, VNZ giảm 4,32% xuống 1,3 triệu đồng/cổ phiếu.

Chú thích ảnh
Trong ngày 17/2, VNZ 15% xuống giá sàn. Ảnh chụp màn hình

Như vậy, chỉ sau hơn một tháng niêm yết trên sàn UpCOM, thị giá VNZ của CTCP VNG đã tăng 5,6 lần từ mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu ngày 5/1/2023 (tổng số lượng chứng khoán VNZ được đăng ký và lưu ký là 35,8 triệu) lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch ngày 15/2.

Với mức giá này, vốn hóa của VNG tăng lên 48.700 tỷ đồng, khối tài sản của nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh cũng tăng tương ứng lên gần 4.800 tỷ đồng. VNZ cũng chính thức lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam về thị giá, trong quá khứ hơn 20 năm, chưa từng có một cổ phiếu nào thiết lập ở vùng 1,3 triệu đồng/cổ phiếu như VNZ.

Trước khi giảm giá, VNZ cũng công bố văn bản giải trình lần 2 (vào ngày 15/2) về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Cũng như văn bản giải trình trước đó, lý do tăng trần liên tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty khẳng định, không có bất kỳ can thiệp nào và hoạt động công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Bàn về diễn biến cổ phiếu VNZ, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, việc tăng trần liên tiếp còn có thể đến từ nguyên nhân CTCP đã nổi tiếng và kinh doanh thuộc sản phẩm “hot”, độc quyền nên nhiều nhà đầu tư - nhất là các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng, đây sẽ là mã cổ phiếu đem lại lợi nhuận tốt nhất, phát triển mạnh và lâu dài trong tương lai, khi kỷ nguyên công nghệ đang ngày càng “xâm chiếm” trong cuộc sống mọi người. Nhìn vào những nhà đầu tư đang mua cổ VNZ trên sàn cho thấy, phần lớn dòng tiền đổ vào chủ yếu là vốn ngoại.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác vẫn lo ngại, có “bàn tay” nào đưa VNZ tăng trần thần tốc hay không khi doanh thu năm 2022 của VNG được báo cáo lỗ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 mới công bố, doanh thu thuần của CTCP VNG tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm 547 tỷ đồng quý 4 vừa qua, lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh
Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào mã VNZ. Ảnh chụp màn hình

Chưa kể, năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận định, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai. Do đó, câu chuyện VNZ liên tục tăng trần khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại là điều dễ hiểu.

Nhưng ngày 17/2, VNZ không còn giữ được mạch tăng trần như thường lệ. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhà đầu tư đã kinh nghiệm hơn qua những cú sập mạnh, lại là giai đoạn thị trường nhiều khó khăn nên cổ phiếu như VNZ khó có cơ hội “làm mưa, làm gió”.

Ngoài ra, theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính chứng khoán, điểm chung của các công ty công nghệ là thường vẽ ra bức tranh sáng nhưng hiện tại chưa có lãi, vẫn đang trong cuộc đua đốt tiền. Do đó, các nhà tư đầu ngắn hạn nên cân nhắc khi quyết định rót tiền. Với các nhà đầu tư chiến lược, VNZ có thể được cân nhắc.

Hải Yên/Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN