Chốt phiên chiều 16/11, VN-Index tăng 31 điểm, vượt qua ngưỡng kiểm định 940 điểm và dừng ở mức gần 943 điểm; HNX-Index cũng tăng hơn 7,6 điểm và dừng ở 183 điểm. Toàn sàn có gần 290 mã tăng trần trong tổng số gần 700 mã tăng, gần 200 mã giảm.
Đáng chú ý, dòng tiền giao dịch sôi động ở nhiều nhóm ngành. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 16.367 tỷ đồng với hơn 1,23 tỷ mã cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, thanh khoản của VN-Index đạt hơn 1 tỷ mã cổ phiếu được giao dịch với giá trị hơn 14.373 tỷ đồng.
Theo phân tích kỹ thuật, các chuyên gia cho biết, tâm lý nhà đầu tư đã tích cực trở lại trong ngắn hạn khi chỉ số VN-Index có sự chuyển đổi ngoạn mục trong phiên sáng, khối lượng giao dịch cũng tăng lên trên mức trung bình 20 ngày gần nhất, chứng tỏ dòng tiền đang quay trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc sóng của chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng 900 - 920 điểm, dự kiến sẽ tiếp tục có rung lắc mạnh trong thời gian tới. Dù vậy, theo phân tích dữ liệu của Công ty cổ phần WiGroup, thị trường sẽ có cơ hội trở mình do doanh nghiệp vốn hóa lớn tiếp tục là động lực.
Cụ thể, các doanh nghiệp trên sàn HOSE vẫn là nhóm đóng góp kết quả kinh doanh chính cho toàn thị trường, chiếm khoảng gần 84,4% lợi nhuận quý III/2022. Nhóm UPCoM chiếm khoảng 13,3% và còn lại là lợi nhuận từ các doanh nghiệp đang giao dịch trên HNX.
Trong đó, các doanh nghiệp vốn hóa lớn tăng trưởng 29%. Ngược lại, đây là quý thứ 2 liên tiếp nhóm Midcap (vốn vừa) có mức tăng trưởng âm, điều này cho thấy môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên khó khăn và bắt đầu lan rộng từ nhóm vốn hóa nhỏ sang đến nhóm vốn hóa vừa.
Xét về từng nhóm ngành, nhiều nhóm ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận sâu như: bảo hiểm (40,5%), chứng khoán (70,8%), nguyên vật liệu (94,9%), vận tải (189,3%). Ở chiều ngược lại, nhiều nhóm ngành vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: ngân hàng (54,2%), bất động sản (43,5%), dược phẩm (32,6%), dịch vụ tiện ích (21,9%), bán lẻ (15,0%).
Riêng nhóm ngân hàng, tuy chỉ chiếm 29% vốn hóa cuối quý III nhưng nhóm ngành này đang chiếm đến gần phân nửa lợi nhuận của thị trường. Nhóm ngân hàng cũng là nhóm đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng toàn thị trường trong quý III (tăng 107,5%) cùng với nhóm bất động sản (tăng 39,6%). Trong khi đó, nguyên vật liệu (giảm 101,0%) và chứng khoán (giảm 16,0%) là 2 tác nhân chính kìm hãm đà tăng trưởng lợi nhuận của thị trường.
Trong quý IV, Wigroup dự báo, hoạt động kinh doanh của nhóm phi tài chính trên HOSE tiếp tục khó khăn. Lợi nhuận liên doanh liên kết và lợi nhuận khác chiếm tỷ trọng không lớn và biến động không nhiều. Ngoài ra, đà tăng mạnh của tỷ giá gây ra những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn cho các doanh nghiệp phi tài chính vay nợ bằng ngoại tệ hoặc các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhiều từ nước ngoài. Do đó, lợi nhuận tài chính trong quý IV của nhóm này đạt khoảng 3.024 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể mức 7.761 tỷ đồng cùng kỳ.
Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế nhóm phi tài chính trong quý IV đạt khoảng 49.051 tỷ đồng, giảm mạnh 23,2% so với cùng kỳ do hoạt động kinh doanh chính tiếp tục khó khăn và lợi nhuận từ hoạt động tài chính sụt giảm. Ngược lại, nhóm tài chính là động lực giúp lợi nhuận thị trường không giảm sâu.
Wigroup ước tính, nhóm ngân hàng đạt khoảng 41.111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trong quý IV, giảm 12,4% so với quý trước khi NIM bắt đầu phản ánh áp lực tăng lãi suất huy động và chi phí trích lập dự phòng gia tăng. Mặc dù vậy, con số này vẫn đạt mức tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ nhờ cơ sở cùng kỳ thấp.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ nhóm chứng khoán đạt khoảng 800 tỷ đồng trong quý IV, giảm mạnh 78,7% so với cùng kỳ trên giả định thị trường sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm. Sự sụt giảm lợi nhuận của ngành do ảnh hưởng bởi đà lao dốc của VN-Index và sự yếu đi của thanh khoản giao dịch và chi phí lãi vay gia tăng.
Wichart ước tính, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ các doanh nghiệp trên HOSE trong quý IV đạt 81.992 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm tài chính đạt 42.561 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ với động lực chính đến từ các cổ phiếu ngân hàng. Nhóm phi tài chính đạt 39.430 tỷ đồng, giảm 23,2% so với cùng kỳ khi môi trường kinh doanh chưa cải thiện và lợi nhuận từ hoạt động tài chính sụt giảm.