Trái phiếu doanh nghiệp: Lấy lại niềm tin sau cuộc 'đại phẫu'

Hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ cùng các cơ quan liên quan không ngừng bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn và minh bạch đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những phát triển vượt bậc.

Sau các vụ tiêu cực khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, cuộc "đại phẫu" này đã giúp khối lượng phát hành cũng như số lượng nhà đầu tư liên tục gia tăng, thị trường đã dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 215.583 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù đã được cải thiện nhưng tựu chung thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục khắc phục để "đứng vững", ổn định và minh bạch trong thời gian tới.

Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nhận định: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây.

Theo đó, thị trường đã rất sôi động, phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Song đến giữa năm 2022, thị trường có nhiều biến động, do ảnh hưởng của thị trường tài chính trong và ngoài nước. Các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB đã tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, doanh nghiệp hạn chế phát hành trái phiếu.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu. Cùng đó, vào ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức đi vào hoạt động là một bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp thị trường phát triển chuyên nghiệp và bền vững. Nhờ thế sau giai đoạn khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang từng bước phục hồi.

Theo ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và sản phẩm cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, những quy định mới yêu cầu tổ chức phát hành phải nâng cao tiêu chuẩn về tính minh bạch, sự đầy đủ của hồ sơ và các điều kiện pháp lý; trong đó, mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ đang là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Về phía nhà đầu tư, quy định về tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã được thắt chặt hơn nhiều so với quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, để đảm bảo rằng trái phiếu được mua bán bởi đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cùng đó, lãi suất tiền gửi được duy trì ở mức thấp giúp cho kênh đầu tư trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Tâm lý của thị trường và nhà đầu tư nhìn chung đã trở nên tích cực hơn. Hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã hồi phục đáng kể kể từ vùng đáy giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023.

Thanh khoản chưa cải thiện nhiều

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2024 và tiếp theo do kinh tế vĩ mô được dự báo khả quan, lạm phát trong tầm kiểm soát, hoạt động doanh nghiệp phục hồi tích cực. Bên cạnh đó, Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt lần lượt 20% GDP đến cuối năm 2025 và 25% GDP cuối năm 2030. Đây là mức tăng trưởng khả thi nếu nhìn vào quy mô hiện tại và sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết: Theo chiến lược, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chiếm khoảng 25% GDP. Hiện nay, dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP, trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130% GDP. Điều này, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khoảng 15 - 16% GDP, tương đương khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giải quyết khó khăn về vốn, giúp phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại như: trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán trong quý IV/2024 và 2025 còn cao; trong đó, trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu cao hơn hẳn trung bình thị trường.

Thị trường vẫn chủ yếu dựa vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, chỉ có 10.377 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, chiếm 9,09% tổng giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp chậm hoặc hoãn thanh toán trái phiếu đáo hạn là khá lớn.

Theo tính toán của Công ty cổ phần FiinGroup (chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán đến tháng 7/2024 ước khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường; trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68% giá trị chậm trả.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại hiện nay vẫn là bên mua chính trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn cầu phụ thuộc khá lớn vào hệ thống ngân hàng thương mại làm cho thị trường trái phiếu chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) cho rằng, thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục, thanh khoản chưa cải thiện nhiều, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm.

Theo ông Tô Trần Hòa, tính thanh khoản thấp làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức.  Do vậy, cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành là những giải pháp cần thiết để khắc phục các tồn tại này.

Phát hiện sớm các vi phạm

Để tăng minh bạch thông tin và quản trị doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) bày tỏ, các doanh nghiệp cần công bố đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh và dự án đầu tư, từ đó nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực quản trị, áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro.

Theo các chuyên gia kinh tế, công khai danh sách, thông tin doanh nghiệp vi phạm cũng là một biện pháp đang được thực hiện nhưng cần thực hiện rộng rãi hơn. Việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm và các hình thức xử phạt trên các phương tiện truyền thông có thể tạo ra sức ép xã hội, giảm uy tín, buộc các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn trong việc tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra và giám sát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các khâu công bố thông tin. Việc này giúp phát hiện sớm các vi phạm và ngăn chặn chúng trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hiện nay, đối với xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm hành chính về chào bán, phát hành trái phiếu, công bố thông tin và báo cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể như với hành vi công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự, trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 1 - 5 năm…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành, rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp). Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu). Đồng thời tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu cũng phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu; chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính. Cùng đó, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu; có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Thảo Nguyên – Thùy Dương (TTXVN)
Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Sau một loạt các giải pháp của cơ quan quản lý; trong đó, quan trọng nhất là Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị định số 08/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN