Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư không còn 'ham' lãi suất cao

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất 10-15%/năm, cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, một số vụ vi phạm tại các doanh nghiệp lớn diễn ra trên thị trường, cùng việc nhiều doanh nghiệp khó khăn trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn khiến giới đầu tư e ngại khi lựa chọn trái phiếu, mặc dù lãi suất cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 11,1%, cao hơn so với mức trung bình 8% của năm 2022; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản hoặc doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động liên quan đến kinh doanh địa ốc.

Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu xây dựng - vật liệu xây dựng là 10,6%/năm, lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản lên đến 14%/năm.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều mặt bằng lãi tiền gửi ngân hàng.

Có thể kể đến Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) chào bán 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng từ đầu tháng 11/2023. Theo đó, đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Kỳ hạn của lô trái phiếu này là 36 tháng, trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo là lãi suất thả nổi (được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank + 4%, nhưng không thấp hơn 9,5%/năm). Hay như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên BOT Ninh Thuận phát hành 1,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư hiện nay khi mua trái phiếu là đảm bảo an toàn vì họ sợ mất vốn. Thực tế, nhiều trường hợp nhà đầu tư “mắc kẹt” khi doanh nghiệp không trả gốc và lãi trái phiếu, có doanh nghiệp đàm phán gia hạn trả nợ hết lần này đến lần khác.

“Vấn đề không còn nằm ở lãi suất nữa, doanh nghiệp có tăng lãi suất nhà đầu tư vẫn e ngại. Đây là tâm lý chung làm kìm hãm các giao dịch trên thị trường trái phiếu”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho rằng, sau những vụ việc sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không thanh toán được gốc, lãi trái phiếu và phải thực hiện gia hạn khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên dè dặt.

Nhà đầu tư hiện quan tâm hơn đến các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, dự án khả thi phát hành trái phiếu, nhưng những doanh nghiệp này cũng không nhiều.

Theo giới phân tích, khẩu vị của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã có những chuyển biến tích cực. Trước đây, các nhà đầu tư cá nhân thường “ham” chạy theo các trái phiếu được hứa hẹn lãi suất cao, không đánh giá hết rủi ro, hoặc không hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của trái chủ, của doanh nghiệp và tổ chức phân phối trái phiếu. 

Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư đã quan tâm hơn về các quy định của pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh, cũng như đánh giá khả năng tài chính, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ an toàn, bền vững hơn, đem lại cơ hội để nền kinh tế có nguồn huy động vốn hiệu quả. Với xu hướng lãi suất tiền gửi ở mức rất thấp, đầu tư trái phiếu cũng đảm bảo có lợi nhuận cao hơn so với kênh tiết kiệm.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay không còn dễ dàng như thời điểm trước 2021. Ông Thịnh khuyên nhà đầu tư cân nhắc, chọn lọc các tổ chức phát hành uy tín, minh bạch, có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Cùng đó, nhà đầu tư nên lựa chọn tổ chức phân phối uy tín cao.

Các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRCT) nhìn nhận, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể sẽ trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) bao gồm: quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành (các quy định này đã được ngưng thi hành đến hết ngày 29/12/2023.

Thực tế, dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2 năm 2024 với tổng giá trị 1.165 tỷ đồng, giảm 68% so với tháng 1.

Theo VNDIRECT, hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động. Bên cạnh đó, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 vẫn rất lớn, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207.000 tỷ đồng; trong đó có tới 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn và phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Giới phân tích nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn thì nguồn tiền để thanh toán cho các lô trái phiếu đáo hạn là không hề dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản cũng như doanh nghiệp phi tài chính khác.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2024, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn. Theo đó, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, có người môi giới, có người bảo lãnh, chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Dù doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn nhưng về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Thịnh nói.

Văn Giáp (TTXVN)
Chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được cải thiện hơn
Chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được cải thiện hơn

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Với sự hồi phục dần của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng bền vững, thực chất và chất lượng hơn - đối với cả tổ chức, doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN