Tổng cục Thuế thông tin việc Hải Hà Petro nợ thuế ‘khủng’ hơn nghìn tỷ đồng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Mai Sơn, trong số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, đến nay, có gần 10 doanh nghiệp nợ tiền thuế bảo vệ môi trường, trong đó Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) có số nợ tới gần 1.800 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị nêu tên do nợ thuế; trong đó Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn. Đơn cử, Hải Hà Petro bị nêu tên với số nợ thuế lớn nhất tỉnh 1.781 tỷ đồng, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường (BVMT). 

Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty; ngừng sử dụng hóa đơn; cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro. Hải Hà Petro tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cũng vừa bị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xăng dầu.

Theo Quyết định số 63/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, cơ quan này đã thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với Hải Hà Petro do hàng loạt vi phạm về quy định kinh doanh, nợ thuế.

Tại kết luận về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp này cùng nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác, trong đó có việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu và kê khai nộp thuế BVMT. Hải Hà Petro cũng bị đề xuất xử lý về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế BVMT đối với xăng dầu, cũng như việc sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng mục đích.

Chú thích ảnh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Mai Sơn.

"Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự tính, tự khai và tự nộp theo quy định. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai, nộp thuế. Với các doanh nghiệp trên, các cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Với số nợ thuế của doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo các Cục Thuế địa phương thực hiện đúng các quy định trong Luật Quản lý thuế", ông Mai Sơn cho biết.

Liên quan đến Hải Hà Petro, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã đôn đốc và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Đối với các khoản nợ đến hạn phải cưỡng chế, cơ quan thuế sẽ  cưỡng chế tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật, kê biên tài sản... Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản đối với doanh nghiệp nợ thuế nói chung gặp nhiều khó khăn, hầu hết tài sản của doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp tại ngân hàng. 

Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, ngành Thuế sẽ tập trung phân tích sớm thông tin hoạt động kinh doanh và dữ liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

“Việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát. Còn việc quản lý dòng tiền do doanh nghiệp chủ động. Các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phân tích thêm.

Tin, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Ngành thuế thu khoảng 25.600 tỷ đồng tiền nợ thuế
Ngành thuế thu khoảng 25.600 tỷ đồng tiền nợ thuế

Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2023 là 151.325 tỷ đồng, giảm 0,4% so với thời điểm ngày 30/6/2023, tăng 2,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2023, ngành thuế ước thu được 25.608 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN