Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vào danh sách lần này 34 doanh nghiệp nợ thuế. Hầu hết các doanh nghiệp đứng đầu bảng nợ thuế đợt này đều là những doanh nghiệp đã được nhắc đến nhiều lần trong các thông báo công khai của ngành thuế, nhưng việc giải quyết, xử lý nợ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Điển hình như: Công ty Cổ phần đầu tư Dệt may Vĩnh Phúc (đường Hai Bà Trưng, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nợ hơn 25,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thăng Long (doanh nghiệp chuyển trụ sở từ Hà Nội về và hiện ở đường Lý Bôn, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên) nợ hơn 21,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc (đường Nguyễn Tất Thành, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên) nợ hơn 17,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bá Hiến (tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) nợ hơn 17 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tiến Mạnh Lai Châu (tổ 19, đường Hoàng Văn Thái, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) nợ hơn 11,4 tỷ đồng.
Số đơn vị, doanh nghiệp nợ dưới 10 tỷ đồng gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Hương (khu 5, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên) nợ gần 9 tỷ đồng; Chi nhánh Trung Mầu - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Đà 2 e&c (thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên) nợ hơn 9, 5 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn hạn Hải Châu (đường Mê Linh, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) nợ hơn 6,2 tỷ đồng...
Để thu thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đạt hiệu quả, thời gian tới ngành Thuế trên địa bàn Vĩnh Phúc tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đúng, đủ, kịp thời hạn; đồng thời tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế; cưỡng chế, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế, ngưng sử dụng hóa đơn…
Tình trạng nợ đọng tiền thuế trên địa bàn Vĩnh Phúc diễn ra khá phức tạp từ nhiều năm trước đây. Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp để có giải pháp đủ mạnh, có sức răn đe trong việc thu, nộp ngân sách nói chung, cũng như nghĩa vụ thuế của các đơn vị, doanh nghiệp.
Trước đó, tính đến tháng 12/2022, tỉnh có 127 doanh nghiệp nợ thuế lớn, kéo dài, với tổng số tiền nợ thuế là hơn 194 tỷ đồng đã được Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng.