Vừa nhận thông báo mới nhất từ ngân hàng, chị Nha Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Cách đây mới mấy tuần khi hết thời gian ưu đãi lãi suất, ngân hàng thông báo sẽ áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm 3,4%/năm. Ước tính lãi suất áp dụng khoảng trên 12% với biểu lãi suất cơ sở là 9%/năm. Nhưng nay, ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất cơ sở lên tới 10,64%/năm. Như vậy, tôi sẽ phải chịu lãi suất hơn 14%/năm kể từ tháng này''.
Được biết, vợ chồng chị Trang vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để mua nhà với lãi suất ưu đãi là 8%/năm. Theo đó, số tiền lãi phải trả ngân hàng từ tháng này sẽ khoảng 14 triệu đồng, gần gấp đôi mức 8 triệu đồng/tháng trước đó.
Không riêng chị Trang, anh Đoàn Hùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cũng đang nhấp nhổm tính bán xe ô tô vì lãi suất cao quá, sợ sẽ không trả nổi.
''Vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua ô tô chạy dịch vụ nhưng nay lãi suất ngân hàng báo tăng lên 13,3%/năm. Tôi chạy xe cả tháng cũng chỉ đủ tiền trả lãi và gốc vay ngân hàng, khó dư ra đồng nào. Tuy vậy, lãi suất này chỉ áp dụng trong 3 tháng và sắp tới có thể sẽ còn tăng tiếp'', anh Hùng nói.
Theo một giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội, với mặt bằng lãi suất cho vay đang lên mức 13 - 15%/năm thì mức sinh lời của vốn vay phải đạt trên 30% mới đủ trả ngân hàng và trang trải các chi phí khác. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào và nhiều chi phí khác thời điểm cuối năm cũng tăng cao khiến doanh nghiệp rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra.
Lãi suất huy động thời gian qua liên tục tăng và đặc biệt tăng mạnh hơn sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Điều này gây áp lực lớn lên lãi suất cho vay.
Kể từ đầu tháng 11, lãi suất cơ sở với mức trên 10%/năm đã xuất hiện phổ biến hơn tại nhiều ngân hàng. Lãi suất cơ sở là dấu mốc để ngân hàng tính lãi suất cho vay với công thức bằng là lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3 - 4%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân là 10,64%/năm kể từ ngày 17/11/2022, tăng hơn 1%/năm so với tháng trước.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân với mức thấp nhất là 9,1%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và cao nhất là 10,6%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Lãi suất cơ sở của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng từ mức 8,6 - 10,6%/năm lên dao động từ 9,7 - 10,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất cơ sở kỳ hạn 1 năm lên thành 8,3%/năm, từ 1 - 5 năm dao động từ 9,25 - 9,45%/năm và trên 5 năm là từ 9,4 - 9,6%/năm.
Một số ngân hàng cũng đang áp dụng lãi suất cơ sở ở mức rất cao như tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất cơ sở cao nhất tới 12,15%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khoảng từ 10 - 11,3%/năm; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) áp dụng lãi suất cơ sở dao động từ 9,1 - 11,4%/năm...
Với biểu lãi suất cơ sở tăng từ 0,5 - 1,2%/năm như trên, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện đã tăng mạnh lên trên mức 10%/năm, thậm chí còn lên tới 15 - 16%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.
Nhưng do hạn mức tăng trưởng tín dụng còn rất eo hẹp, khách hàng vay mới không nhiều, lãi suất tăng như trên chủ yếu ảnh hưởng lớn đến các khách hàng vay hiện hữu, nhất là những khách hàng vay vốn vừa hết thời gian ưu đãi lãi suất.
Theo các chuyên gia tài chính, áp lực tăng lãi suất cho vay sẽ chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn. Do đó, người vay tiền cần tính toán, cân đối chi phí để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm trong bối cảnh này, thậm chí còn tiếp tục tăng khoảng 0,5 - 1%. Do đó, doanh nghiệp và người dân vay ngân hàng cũng cần tính đến việc trả một phần nợ gốc cho ngân hàng để giảm bớt số tiền lãi phải trả hàng tháng, phần nào sẽ giúp giảm áp lực tài chính khi lãi suất cho vay tăng nhanh như hiện nay.
''Khi vay mua nhà, mua xe, người vay tiền cần tính toán tổng tiền trả lãi và gốc hàng tháng không quá 60% tổng thu nhập để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ, dẫn đến ngân hàng phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ vay", Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Tại phiên thảo luận chiều 28/10 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, luôn cần đánh giá, xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Nhưng mục tiêu xuyên suốt vẫn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thống đốc cũng cho rằng, trong ngắn hạn có thể cần phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu. Ví dụ, để ổn định thị trường ngoại hối, phải chấp nhận tỷ giá, lãi suất tăng lên. Đối với doanh nghiệp, khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhưng với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, sẽ có điều kiện để tăng tốc, phát triển hơn.
Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng.