Tiền gửi không kỳ hạn giảm, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tối đa

Theo báo cáo tài chính mới nhất của các ngân hàng, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong 9 tháng qua đã sụt giảm khá mạnh trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn liên tục tăng cao.

Nhằm thu hút nhiều hơn dòng tiền nhàn rỗi, không ít ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Hậu Giang. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN

Tiền "rẻ" khan hiếm

Tỷ lệ CASA đóng vai trò quan trọng đối với các ngân hàng bởi nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ, có khả năng bù đắp, pha loãng chi phí vốn đầu vào. Nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng cao như hiện nay, CASA càng tăng càng tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, có đến 18 trong số 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm, bao gồm cả những ngân hàng trước nay vẫn luôn đứng đầu hệ thống về thu hút tiền gửi không kỳ hạn.

Trong đó phải kể tới Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - "quán quân" CASA của hệ thống. Tính đến hết quý III/2022, tỷ lệ CASA tại Techcombank dù giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn dẫn đầu toàn ngành ở mức cao 46,5%. Ngân hàng này từng ghi nhận kỷ lục vào cuối năm 2021 khi tỷ lệ CASA đạt trên 50%.

Tương tự, một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm sút, như tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giảm 3,8 điểm %; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm 3,5 điểm %; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm 3,4 điểm %; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 3 điểm %...

Nhưng đây chưa phải là những ngân hàng sụt giảm mạnh nhất tỷ lệ CASA trong 9 tháng qua. Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), tiền gửi không kỳ hạn tính đến hết tháng 9/2022, giảm mạnh đến một nửa so với đầu năm, chỉ còn gần 3.900 tỷ đồng. Kéo theo đó, tỷ lệ CASA từ 15,5% hồi đầu năm giảm còn 9,2% sau 9 tháng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy sự sụt giảm này. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh hơn 1 triệu tỷ đồng vào cuối quý 1/2022, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng giảm còn 0,979 triệu tỷ đồng vào cuối quý 2/2022.

Theo Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sụt giảm là do bối cảnh chung của hệ thống. Lãi suất huy động liên tục tăng cao trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền số, bất động sản... kém hấp dẫn, dòng tiền có xu hướng tìm về ngân hàng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Nguồn vốn đầu vào vì thế cũng trở nên "đắt đỏ" hơn.

Đua lãi suất là chưa đủ

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank Hoàn Kiếm, Chi nhánh Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Trước thực tế tiền rẻ ngày càng trở nên khan hiếm, một số ngân hàng đã mạnh tay tăng tăng thêm lãi suất để duy trì tỷ lệ CASA. 

Nếu như trước đây, lãi suất loại tiền gửi này đa phần ở mức 0,1 - 0,2%/năm, thì nay đã tăng gấp 5 - 10 lần, được đẩy lên kịch trần 1%/năm tại các ngân hàng Kienlongbank, BacABank, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)...

"Quán quân CASA" Techcombank cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trước đây, với sự đầu tư công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và đặc biệt là chiến lược "Zero fee" - miễn phí toàn bộ các giao dịch trực tuyến, nên dù lãi suất không kỳ hạn của Techcombank luôn neo ở mức 0,03%/năm, nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống nhưng vẫn hút mạnh CASA.

Tuy vậy, trong bối cảnh mới, Techcombank đã tăng lãi suất này lên 1%/năm, gấp 33 lần so với mức cũ.

Một ngân hàng khác cũng vừa công bố tăng lãi suất không kỳ hạn lên kịch trần là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Nhưng để được hưởng mức lãi suất 1%/năm, khách hàng của VPBank phải đảm bảo điều kiện có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán.

Trong trường hợp, số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm và số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm.

Đại diện VPBank cho biết khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư tiền gửi bình quân mỗi tháng của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao.

Còn tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... tuy không tăng kịch trần nhưng lãi suất không kỳ hạn cũng được đẩy lên dao động từ 0,5 - 0,9%/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm ngân hàng có lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)... với lãi suất khoảng từ 0,1 - 0,2%/năm.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ngoài áp dụng cho số dư trên tài khoản thanh toán, hiện còn được áp dụng cho các khoản tiền gửi tiết kiệm rút một phần trước hạn. Do đó, lãi suất loại tiền gửi này tăng mạnh sẽ có lợi cho cả người gửi tiền có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn, đồng thời cũng giúp ngân hàng hút tiền gửi ở các kỳ hạn khác.

Cuộc đua tăng tỷ lệ CASA ngày càng nóng trong bối cảnh lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, dòng tiền dịch chuyển sang các kỳ hạn khác là điều tất yếu. Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ đua tăng lãi suất sẽ là chưa đủ, quan trọng hơn cả là các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư công nghệ, tối ưu tiện ích, nâng cao trải nghiệm người dùng...

"Chỉ khi dịch vụ, sản phẩm phù hợp với người dùng, tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng sự thuận lợi nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin... ngân hàng mới giữ chân được người sử dụng. Nhất là với các ngân hàng nhỏ, phát triển dịch vụ số, kết nối được với hệ sinh thái phong phú phục vụ cho những nhu cầu thường nhật của người dùng cũng sẽ là một lợi thế cạnh tranh", ông Hiếu khuyến cáo.

Liên quan đến những biến động trên thị trường tiền tệ, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra thông điệp khẳng định hiện nay thanh khoản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tốt và dư thừa.

"Trong tháng 10 vấn đề thanh khoản đã bị tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến của tình hình kinh tế, tiền tệ quốc tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng, kịp thời điều tiết thị trường, đưa tiền ra hàng ngày hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước", bà Hồng chia sẻ. 

Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, nhất là dịp cuối năm.

Lê Phương (TTXVN)
Ngân hàng kiểm soát rủi ro, giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng kiểm soát rủi ro, giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

Rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng được giới chuyên gia đánh giá là ở mức thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN