Cụ thể như điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của khách hàng gặp khó khăn cho 2.097 khách hàng, với dư nợ trên 6.985 tỷ đồng; trong đó có 311 doanh nghiệp với dư nợ trên 6.114 tỷ đồng; cho vay mới 8.170 khách hàng với số tiền 23.951 tỷ đồng, giảm lãi suất vay vốn các khoản vay cũ cho 11.932 lượt khách hàng, với dư nợ 21.680 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm hơn 85 tỷ đồng; miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của virus SARS-COV-2.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị đủ các điều kiện để sẵn sàng cho vay đối với các doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, qua đó đã có 6.895 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh và cá nhân; trong đó có 3.318 doanh nghiệp và tổ chức, 3.577 hộ kinh doanh và cá nhân được gia hạn nộp thuế với số tiền trên 657 tỷ đồng, số tiền thuê đất đã được gia hạn là hơn 23 tỷ đồng.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với trên 23.500 đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh với số tiền gần 24 tỷ đồng; bao gồm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm...
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2021, Khánh Hòa tiếp tục triển khai có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhất là đảm bảo về an sinh xã hội; cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay ưu đãi hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch.
Hiện toàn tỉnh có trên 10.880 khách hàng vay vốn từ các tổ chức tín dụng, bao gồm 1.262 doanh nghiệp và 9.627 cá nhân trong diện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng 37.850 tỷ đồng, chiếm gần 40% dư nợ cho vay toàn địa bàn tỉnh.
Trong số này ngành du lịch dư nợ bị ảnh hưởng là 9.628 tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng; ngành tiêu dùng, kinh doanh thương mại dư nợ 7.384 tỷ đồng, tương đương 19,5%; ngành vận tải dư nợ 7.324 tỷ đồng, chiếm 19,35%; ngành nông nghiệp dư nợ 4.602 tỷ đồng, chiếm trên 12%; ngành xây dựng dư nợ 3.708 tỷ đồng, chiếm gần 10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (thực phẩm, đồ uống, dệt may...) dư nợ 2.091 tỷ đồng, tương đương 5,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản dư nợ 2.821 tỷ đồng, chiếm 7,45%; các ngành khác như giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông... có dư nợ 291 tỷ đồng, chiếm 0,77%...