Xu hướng tăng lãi suất
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay với mức độ chưa từng thấy trong 5 thập kỷ qua, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.
Thống kê cho thấy các ngân hàng trung ương lớn đã thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong năm 2022, để chống lại lạm phát cao trong nhiều thập niên.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tổng cộng sáu lần, trong đó, bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các cuộc họp tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Chín và tháng Mười Một.
Theo một thống kê khác, các ngân hàng trung ương lớn, giám sát 8 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất, đã thực hiện tăng tổng cộng 550 điểm cơ bản trong các đợt tăng lãi suất trong tháng 9/2022, nâng tổng mức tăng lãi suất trong chín tháng kể từ đầu năm 2022 từ các ngân hàng trung ương của các nước gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh - và Mỹ lên 1.850 điểm cơ bản (hay hiểu theo cách khác là 18,5 điểm phần trăm).
Vincent Chaigneau, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Generali cho biết các ngân hàng trung ương trên đang tập trung vào việc kiềm chế lạm phát đang ở mức cao trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, rủi ro là việc áp dụng biện pháp này trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng lãi suất tăng quá mức. Những lo ngại về việc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất quá nhanh và có khả năng đi quá xa đã khiến các thị trường quay đầu trong quý III/2022.
Tính đến đầu tháng Mười, ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã tăng lãi suất tổng cộng 6.340 điểm cơ bản, nhiều hơn gấp hai lần so với mức 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021 nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, WB cho rằng đường hướng của chính sách tăng lãi suất và các hành động chính sách khác có thể không đủ để đưa lạm phát toàn cầu trở lại mức như trước khi xảy ra đại dịch. Các nhà đầu tư dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chính sách tiền tệ toàn cầu lên gần 4% cho đến năm 2023, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình năm 2021.
Nghiên cứu của WB cho thấy trừ khi tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, nếu không, những đợt tăng lãi suất đó có thể khiến tỷ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu (không bao gồm năng lượng) ở mức khoảng 5% vào năm 2023, gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch.
Theo nghiên cứu trên, để cắt giảm lạm phát toàn cầu xuống mức phù hợp với mục tiêu, các ngân hàng trung ương có thể cần tăng lãi suất thêm nữa. Nếu chính sách này đi kèm với căng thẳng trên thị trường tài chính, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại xuống 0,5% trong năm 2023.
Nguy cơ đối với các nền kinh tế
Chủ tịch WB David Malpass cho biết tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc và có khả năng chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Theo ông Malpass, mối lo ngại sâu sắc của ông là những xu hướng trên sẽ tiếp diễn, với những hậu quả tàn phá lâu dài ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Ayhan Kose, một quan chức cấp cao của WB nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa gần đây có thể sẽ hữu ích trong việc giảm lạm phát. Nhưng do tính đồng bộ cao giữa các quốc gia, chính sách này có thể tác động lẫn nhau trong việc thắt chặt các điều kiện tài chính và khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Do đó, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi cần sẵn sàng ứng phó với những tác động tiềm ẩn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng việc tăng lãi suất trên diện rộng mà thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có cho nền kinh tế thế giới. Việc ngân hàng trung ương của các nước cố gắng đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn mức cho phép.
Theo WB, các nước nên tham khảo cách các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987, từ đó có thể phối hợp thúc đẩy một biện pháp tăng lãi suất chung nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Fed mới là cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Do vậy theo các chuyên gia, Fed cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Đối với các thị trường châu Á mới nổi, một số nhà phân tích nhận định trong vòng 25 năm qua, các nền kinh tế này đã trưởng thành và lành mạnh hơn, đồng thời có khả năng chịu áp lực tỷ giá hối đoái tốt hơn.
Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, cho rằng chính sách của các thị trường châu Á mới nổi hiện đã mạnh hơn, còn giới hoạch định chính sách cũng đã chuẩn bị tốt hơn. Các ngân hàng trung ương hiện có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhiều, khi họ chủ yếu để tỷ giá "hấp thụ" áp lực bên ngoài thay vì hỗ trợ tiền tệ bằng cách bán dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, các chính phủ châu Á đã theo đuổi nhiều chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn trong những năm gần đây so với trước cuộc khủng hoảng năm 1997.
Một số nền kinh tế châu Á cũng đang duy trì thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối được cải thiện nhờ những nỗ lực như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai năm 2010, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các thành viên ASEAN+3, gồm các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.