Đáng chú ý, phần lớn trong số này đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, thậm chí có ngân hàng đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kinh doanh cả năm.
Lãi đậm nhờ đâu?
Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 522 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, trong các mảng kinh doanh của VietABank, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán tăng đột biến, gấp đến 4,7 lần cùng kỳ năm 2020 với 107,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần 9 tháng chỉ đạt 991 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối còn giảm tới 96% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 1 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ đã cải thiện với 21,4 tỷ đồng, thay vì mức lỗ 10,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính chung tổng thu nhập hoạt động ngân hàng lũy kế 9 tháng vẫn giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động tăng 5,1%. Do đó, lợi nhuận thuần của ngân hàng trước chi phí dự phòng rủi ro giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 747 tỷ đồng.
Nhưng VietABank đã giảm mạnh chi phí dự phòng trong 9 tháng qua, từ mức 864 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 225 tỷ đồng tính đến hết quý III/2021. Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh một phần là do ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) từ tháng 8/2020 nên giảm áp lực về việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC. Tính riêng quý III/2021, trích lập dự phòng rủi ro chỉ 19 tỷ đồng, trong khi quý III/2020, con số này lên tới 476,5 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) cũng vừa công bố luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ trích lập dự phòng rủi ro giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong quý III, BacABank ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động chứng khoán với hơn 94 tỷ đồng, cao gấp gần 12 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2020.
Cũng giảm mạnh chi phí dự phòng, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp đôi cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận PGBank đạt 272 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 88% kế hoạch năm. Chi phí dự phòng giảm mạnh 64% so với cùng kỳ, xuống còn 93 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ xấu tăng 13% so với đầu năm lên 708 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ 2,44% lên 2,75%.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng cao đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng. Tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt 7.015 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021 và tăng 35% so với cùng kỳ; trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 33,8% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 52,9%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 86%...
Dù trích lập dự phòng rủi ro của LienVietPostBank tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn đạt 2.802 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2020 và không còn xa so với đích đến 3.200 tỷ đồng cho cả năm theo kế hoạch.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp rưỡi cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 3.768 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm.
OCB cho biết, ngân hàng tập trung vào chiến lược đẩy mạnh chất lượng tài sản hơn là quy mô, tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.
Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tăng khá, ở mức 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,15% cùng kỳ xuống còn 1,51% tại thời điểm cuối quý III vừa qua.
Nằm trong top các ngân hàng được dự báo sẽ dẫn đầu về lợi nhuận cả năm 2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 86% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng quý III, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Đây cũng là ngân hàng có tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất toàn ngành với tỷ lệ 49% tại thời điểm kết thúc quý III/2021, tăng so với mức 46,1% của quý trước. CASA tại Techcombank đã tăng 59,1% trong vòng 12 tháng qua và đạt 155.000 tỷ đồng; trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vượt xa kế hoạch năm
Đặt mục tiêu nhuận trước thuế năm 2021 đạt 135 tỷ đồng, tuy nhiên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đã đạt 194 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 144% kế hoạch.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng ghi nhận lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 385 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 290 tỷ đồng trước thuế của cả năm 2021. Tuy nhiên, góp phần lớn vào tăng trưởng này là nhờ kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm.
Bởi trong quý III, do tác động của dịch COVID-19, dù chi phí dự phòng tiết kiệm hơn so với quý trước nhưng trích lập dự phòng trong kỳ lại tăng gấp 3 lần. Điều này kéo theo lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt 48 tỷ đồng, thấp hơn 36,8% so với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), tuy lợi nhuận trước thuế quý III/2021 giảm 21% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 68 tỷ đồng nhưng lũy kế 9 tháng lợi nhuận ngân hàng vẫn đạt 395 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch kinh doanh "tối thiểu" là 390 tỷ đồng trước thuế mà VietBank đề ra tại đại hội cổ đông thường niên 2021 thì ngân hàng này đã cán đích chỉ sau 9 tháng. Còn nếu so với mục tiêu "phấn đấu" ở mức 1.100 tỷ đồng, Vietbank chỉ mới hoàn thành được 36% kế hoạch.
Đáng chú ý trong các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) với hơn 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đã vượt xa kế hoạch 3.200 tỷ đồng của năm 2021. So với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận MSB tăng gấp hơn 2,5 lần.
Mặc dù cũng nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kết thúc quý III, hoạt động kinh doanh của MSB ghi nhận sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các mảng kinh doanh chính.
Cụ thể, tổng thu nhập thuần của MSB lũy kế 9 tháng đạt hơn 7.556 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 4.445 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 2.445, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu đến nguồn thu đến từ hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROAE) tính đến 30/9/2021 của ngân hàng này đều khả quan, đạt lần lượt 2,15% và 20,98%.
Cũng vượt kế hoạch kinh doanh, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2020 và vượt 5% kế hoạch năm. Riêng trong quý III, ngân hàng lãi trước thuế 974 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới chuyên gia, tuy lợi nhuận vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ, không ít ngân hàng cán đích lợi nhuận dù mới đi được 3/4 chặng đường năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã có dấu hiệu chững lại so với nửa đầu năm khi nhu cầu tín dụng giảm mạnh do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong quý qua.
Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, dù việc trích lập dự phòng rủi ro ở nhiều ngân hàng dự báo sẽ tăng khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ do đóng cửa nhiều tháng liền trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực về nợ xấu, trích lập dự phòng trong ngắn hạn.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn sẽ cao so với năm 2020 và vượt mức chung của toàn thị trường.