Lãi suất huy động có thể tăng nhẹ thêm 0,25 - 0,75%
Nhận xét về tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, nhu cầu tín dụng có một phần liên quan đến mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai, mức độ của các đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được cùng nhiều yếu tố khác.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp, thậm chí cả người tiêu dùng, có thể ngần ngại vay vốn để đầu tư và chi tiêu do triển vọng không chắc chắn, nhất là sau mức tăng trưởng GDP yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể năm 2023.
“Khi dữ liệu được cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin có thể quay trở lại. Điều này có thể dẫn đến việc sẵn sàng đi vay nhiều hơn trong nửa cuối năm, mặc dù mức độ sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh mạnh mẽ như thế nào”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Tuy nhiên, sự suy yếu gần đây của VNĐ trước sự mạnh lên của USD và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nước có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Đáng lưu ý, đà tăng trưởng đó có thể kém hiệu quả hơn trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.
Ngoài ra, từ đầu quý 2 năm nay, ông Suan Teck Kin nhận thấy, mặt bằng lãi suất tiền đồng bắt đầu tăng; đến giữa năm, mức lãi suất huy động VNĐ từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 - 1% cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng.
Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn. Tuy nhiên, hai mức lãi suất điều hành chính thức là lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Trong khi đó, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, các diễn biến trên cho thấy, chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ cơ quan quản lý trong thời gian qua. Thực tế, các mức lãi suất thương mại đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Vì thế, UOB bảo lưu quan điểm đối với các diễn biến lãi suất trên thị trường.
Tuy nhiên, từ quý 2/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt và do vậy, mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới. Cụ thể, những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…
Hiện tại, mức lãi suất huy động vẫn thấp hơn mức lãi suất những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định. Ông Đinh Đức Quang nhận định, mặt bằng lãi suất VNĐ trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 - 0,75%, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng ở mức từ 3 - 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4%, tỷ giá USD/VNĐ có thể biến động 4 - 5% trong năm 2024.
VNĐ khả năng mạnh dần trong nửa cuối năm
Dự báo về xu hướng của tỷ giá VNĐ so với USD trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin cho biết, với dự đoán của UOB về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay, UOB thấy khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm.
Đây là kịch bản đã dự báo kể từ cuối năm 2023, VNĐ có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng, khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. UOB kỳ vọng, VNĐ sẽ mạnh dần so với USD, lên 25.200 VNĐ/USD trong quý III/2024, 25.000 VNĐ/USD trong quý IV/2024, 24.800 VNĐ/USD trong quý I/2025 và 24.600 VNĐ/USD trong quý II/2025.
Ông Suan Teck Kin cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong việc có kế hoạch hợp lý và cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ. Đối với các doanh nghiệp có rủi ro về ngoại hối (do xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài), điều quan trọng là phải có chính sách phòng ngừa rủi ro phù hợp như một phần của chiến lược quản lý rủi ro để bảo vệ vị thế tài chính. Ngoài phòng ngừa rủi ro, một cách khác là duy trì sự cân bằng và lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ của cả ngoại hối và VNĐ. Cả hai đều có thể được yêu cầu để thanh toán cho nhà cung cấp, do đó việc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ hoặc ngược lại là thu được lợi nhuận. Đồng thời, cần có VNĐ để trả cho các nhà cung cấp địa phương, tiền lương, tiền thuê nhà, thuế...
Đối với rủi ro từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Suan Tec Kin nhận định, một giải pháp quan trọng là mở rộng và đa dạng hóa thị trường, nguồn cung để tránh bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng và sự gián đoạn vận chuyển. Ví dụ, việc bán sản phẩm cho các thị trường lân cận sẽ mở ra những cơ hội mới và giảm rủi ro lô hàng bị trì hoãn do khoảng cách xa, cũng như đối với nguồn cung.
Về phía nhà nước, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích vay để đầu tư và mở rộng, mặc dù NHNN và các ngân hàng cần đảm bảo chất lượng tín dụng không bị ảnh hưởng. Đồng thời, Chính phủ nên tăng cường triển khai các công cụ tài chính để giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, bằng cách tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe... để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của đất nước, doanh nghiệp và người dân.