Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Trong đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh…. Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.
Đồng thời, SHB còn miễn hoặc giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cận Tết.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Đáng chú ý, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ. Đợt giảm lãi suất này sẽ có tác động đến khoảng 175.000 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa danh mục tín dụng của Vietcombank.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Số tiền giảm lãi suất ước tính lên tới 120 tỷ đồng.
Làn sóng giảm lãi suất cho vay tiếp tục lan rộng với sự nhập cuộc của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Cụ thể, từ 6/12/2022 đến 31/1/2023, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.
Còn tại VIB, chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán cũng đang được triển khai.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, nỗ lực giảm lãi suất cho vay phản ánh sự đồng hành chia sẻ của ngân hàng với khách hàng. Để có dư địa giảm lãi suất, các ngân hàng phải cân đối hợp lý nguồn vốn, chọn lọc, cho vay đúng và trúng đối tượng ưu tiên, để tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngân hàng Nhà nước mới đây vừa tăng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng từ 1,5-2% cho toàn hệ thống tín dụng, tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Quyết định này nhằm mục đích mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc phân bổ tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết là làm sao tạo điều kiện có thêm dư địa để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
"Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Như vậy, song song với mục đích hỗ trợ khách dịp cuối năm, theo một số nhà phân tích, động thái giảm lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng còn thể hiện kỳ vọng vào việc sẽ được cấp room tín dụng cao hơn trong năm tới 2023.