Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện đang phân hóa mạnh mẽ. Một nửa số cổ phiếu ngân hàng tăng giá nhưng mức tăng không bứt phá. Nửa còn lại giảm giá nhưng mức giảm cũng không quá mạnh.
Sau cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu bất động sản, hạ tầng cũng bứt phá mạnh mẽ ngay từ đầu phiên. Nhóm chế biến thủy sản đang là một trong những ngành tăng điểm mạnh nhất trong phiên. IDI có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp sau giai đoạn giảm mạnh trước đó. Trong phiên, cổ phiếu này hiện sắc tím tích cực. Các cổ phiếu khác cùng ngành như VHC tăng hơn 1%, ANV, CMX và ACL cùng nhau tăng gần 1%.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cùng hiện sắc xanh tích cực. Cụ thể, HSG tiến tốt hơn 2%, POM và NKG tăng trung bình trên 1%, "ông lớn" HPG nhích nhẹ lên trên mức tham chiếu với mức tăng gần 1%. Nhóm cổ phiếu xi măng như HT1, BCC cũng tăng tốt lần lượt ở mức 0,77 và 2,17%.
Ở nhóm nông - lâm - ngư nghiệp, bộ đôi HNG và HAG đang giao dịch rất sôi động. Trong khi HAG đang leo dốc tăng trần thì HNG cũng có mức tăng ấn tượng 6,37%. Trong nhóm, BAF và SJF cũng đang tăng hết biên độ, ASM tiến tốt gần 4%, APC tăng giá nhẹ.
Khoảng 11 giờ, VN-Index đã có lúc tăng hơn 12 điểm, nhưng 30 phút cuối cùng kết thúc giao dịch, lệnh khớp mua bán liên tục chốt. Cuối phiên sáng 13/12, VN-Index tăng 10,66 điểm ở mức 1.474 điểm; HN-Index tăng 2,35 điểm lên 453 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạthơn 629 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch trên 16.940 tỷ đồng.
Cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường là VCB, BID, GAS, GVR, MSN, VGC, VHM, HVN, CTG, DHG với mức đóng góp hơn 6,6 điểm. Ở bên chiều ngược lại, HDB, MSH, APH, PDR, DCM, SHB, SSB, TPB, VIC, NVL kéo thị trường xuống gần 1,3 điểm.
Theo nhận định các chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư không nên lo lắng vì VN-Index khả năng cao đang tích lũy lấy sức mạnh trong vùng 1.460 điểm để quay trở lại đỉnh 1.500 điểm.
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, dù trồi sụt mạnh trong những phiên cuối tuần trước đó, VN-Index vẫn đóng cửa tuần 10/12 với mức hồi phục tăng điểm khá tích cực. Mặc dù vậy, thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước cho thấy dòng tiền vẫn đang khá dè dặt, và điều này cũng phần nào thể hiện ở sự phân hóa khi một số nhóm cổ phiếu ghi nhận mức hồi phục tốt hơn so với mặt bằng chung như nhóm dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện...
VCBS đánh giá, nhìn chung, nhà đầu tư cũng không nên bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh hiện tại, nhưng đây cũng chưa phải là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Theo đó, chiến lược phù hợp nhất tại thời điểm này chỉ nên là lướt sóng ngắn hạn với tỷ trọng vừa phải ở một số cổ phiếu xuất hiện nhịp hồi phục sau khi đã lao dốc mạnh trong những tuần trước.
Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), vùng cản then chốt quanh 1.480 điểm đã bắt đầu gây áp lực cho chỉ số và rủi ro điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, KBSV cho rằng cơ hội mở rộng nhịp hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể linh hoạt mua tại hỗ trợ hoặc bán tại kháng cự một phần vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu.